Dưới đây là 8 dấu hiệu phổ biến nhất nhưng cũng thường bị bỏ qua nhất của stress. Nếu nhận thấy mình có bất kỳ biểu hiện nào tương tự, hãy ngay lập tức “xả stress” đi vì cơ thể bạn đang “kêu cứu” đấy:
Lúc nào cũng gà gật
Đã bao giờ bạn mệt đến mức ngủ quên chưa? Đó có thể là sự mệt mỏi về thể chất, nhưng nó cũng có thể báo hiệu sự căng thẳng về tinh thần đến nỗi cơ thể tự tìm cách điều hòa thông qua việc nghỉ ngơi. Theo Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ, 50% những người bị căng thẳng gặp tình trạng buồn ngủ gà gật, còn nhiều hơn cả những triệu chứng như đau đầu, căng cơ hay thèm ăn.
Những giấc ngủ ngắn mang lại nhiều lợi ích, nhưng đó là khi bạn kiểm soát được đồng hồ sinh học của bản thân. Còn nếu tình trạng buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài suốt ngày, không tập trung được vào công việc thì bạn nên xem lại khối lượng công việc cũng như những vấn đề trong cuộc sống của mình, có thể chúng đang khiến bạn cảm thấy quá tải đấy.
Có nhiều cảm xúc rối loạn
Cuộc sống thì lúc nào cũng tràn đầy cảm xúc, nhưng khi bạn trải qua nhiều cảm xúc cùng lúc, như giận dữ, thất vọng, cô đơn và sợ hãi… mà không thể quản lý được thì tất cả chúng trở thành một trái bóng đánh mạnh vào tinh thần.
Bạn có thể sẽ cảm thấy nặng nề trong lồng ngực, suy nghĩ thì chạy đua nhưng không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Bạn lo lắng cho tương lai nhưng đồng thời lại mắc kẹt với quá khứ. Bạn không biết làm gì cho phải và cảm thấy bất lực. Đó chính là một trạng thái của stress quá độ mà bạn nên chú ý.
Cảm thấy bị “đóng băng”
Trong một số tình huống căng thẳng, nỗi sợ hãi có thể khiến chúng ta cảm thấy bị “đóng băng”, không biết phải làm gì cho phải. Trạng thái này xuất hiện phổ biến khi chúng ta phải đối mặt với nguy hiểm, sự tấn công vật lý hay những thảm họa. Nhưng trong chính cuộc sống thường ngày này, chúng ta cũng vẫn bị cảm giác đó chi phối mỗi khi cảm thấy bất lực, thất vọng hay lo sợ.
Tiến sĩ tâm lý Leon F. Seltzer đã viết trong cuốn “Psychology Today”: “Bạn bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi vô hình, phóng đại và nó khiến bạn không biết hành động sao cho hợp lý. Trớ trêu thay, trạng thái cảm xúc này xuất hiện khi bạn buộc phải lựa chọn giữa việc trốn tránh hay dũng cảm đối diện và chiến đấu với nó”.
Dễ dàng thỏa hiệp
Những cuộc tranh cãi khiến bạn cảm thấy ức chế nhưng như thế còn tốt hơn là sự thỏa hiệp. Theo Tiến sĩ Curtis Reisinger, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Zucker Hillside thì thái độ hòa hoãn, hay thậm chí “gió chiều nào che chiều đấy” cũng là một dấu hiệu cho biết bạn đang bị stress.
Vì những lý do liên quan đế tình cảm, mối quan hệ, công việc hay nỗi sợ tiềm ẩn, bạn không dám thể hiện hết những điều mình suy nghĩ và mong muốn. Thay vào đó bạn lựa chọn tuân theo ý kiến nào được số đông tán thành nhất để tránh xung đột. Và như thế, những ức chế dồn nén một ngày nào đó sẽ đánh bại chính bạn.
Cảm thấy buồn nôn
Buồn nôn là một trong những cảm giác phổ biến nhất mà người bị căng thẳng quá độ thường trải qua. Đây là kết quả của một quá trình stress lâu dài, khiến cho người bệnh cảm thấy chóng mặt và cần được nghỉ ngơi. Cảm giác bất lực này có thể kéo dài ngay cả khi những căng thẳng dữ dội đã trôi qua.
Đau nhức mình mẩy
Đã bao giờ bạn thức dậy mà cảm thấy cả người rệu rã như vừa chạy một cuốc marathon chưa? Ngoại trừ những lý do từ hoạt động thể chất thì đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị stress “tấn công”.
Tiến sĩ David Clarke, - Chủ tịch Hiệp hội rối loạn tâm lý sinh lý, nói: “Đau đầu, đau lưng, đau cơ và các triệu chứng tiêu hóa là phổ biến nhất khi bạn bị căng thẳng, nhưng không loại trừ những triệu chứng khác – chúng có thể diễn ra nhiều lần”. Nếu bạn thấy mình thường xuyên bị đau nhức cơ thể, hãy tìm đến các chuyên gia để có xác định nguyên nhân chính xác nhất.
Thường xuyên nghiến răng
Trong chương trình The Tonight Show, nữ diễn viên Demi Moore nói với Jimmy Fallon rằng căng thẳng là lý do khiến cô phải thay 2 răng cửa. Việc nghiến răng liên quan đến mất ổn định cảm xúc, và nó có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác như đau đầu, đau hàm, đau nhức cơ mặt và khả năng cảm nhận của răng, khiến răng bị mài mòn, lung lay…
Khám răng thường xuyên có thể giúp bạn phát hiện sớm tình trạng căng thẳng, vì những áp lực bạn đặt lên răng mình có thể phản ánh phần nào những áp lực cuộc sống mà bạn đang phải gánh chịu.
Ăn uống mất kiểm soát
Khi bạn bị căng thẳng, ăn uống không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu của cơ thể nữa. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy cảm xúc của bạn đang mất cân bằng và bạn ăn để an ủi tinh thần chứ không vì thân thể nữa. Hay nói cách khác, bạn đang ngấu nghiến cảm xúc của mình chứ không phải vì thức ăn ngon hay đang cảm thấy vui sướng.
Elizabeth Trattner, MD, một bác sĩ được chứng nhận của hội đồng quốc gia chuyên về y học tích hợp, nói rằng về mặt sinh lý học, những người chịu áp lực thường bị tăng cân khó kiểm soát. Tin tốt là có những loại thực phẩm giúp giảm stress mà bạn có thể nạp vào để giúp cơ thể và tinh thần thư giãn hơn.