Phóng viên Jonathan Cheng của tờ Wall Street Journal (WSJ) đã đi đến một “thị trấn ma” bị bỏ hoang ở thành phố Thẩm Dương do tập đoàn Greenland Group xây dựng, để tìm hiểu tại sao các quan chức phải đau đầu về vấn đề bất động sản.
Tại đây, nhà phát triển Greenland Group từng thiết kế nhiều ngôi nhà theo phong cách dinh thự châu Âu hoành tráng. Nhưng hiện tại, những căn nhà này chỉ là một cái vỏ bê tông chưa hoàn thiện. Hàng trăm căn tương tự đang bị bỏ hoang trong nhiều dự án khác trên khắp Trung Quốc. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đau đầu.
Tại thành phố Thẩm Dương phía đông bắc Bắc Kinh, tình trạng bất ổn của lĩnh vực bất động sản được thể hiện rõ ràng nhất. Nhiều dự án thậm chí đã xây xong những khu biệt thự, nhưng có thể sẽ không bao giờ đi vào sử dụng.
Khu vườn của các biệt thự đã được nông dân dựng tạm thành chuồng chăn dê. Những ngôi nhà bỏ hoang này là minh chứng cho một cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Greenland Group cho biết họ từng chi 230 triệu USD xây riêng một phòng trưng bày. Toà nhà có tên là Grandar Place và được xây theo phong cách cổ điển Pháp. Đây từng là nơi thu hút khách hàng đến xem nhà. Hiện tại, toà nhà này trở nên hoang tàn với đồ đạc ngổn ngang.
Cơn sốt bất động sản kéo dài hàng thập kỷ khiến các nhà phát triển gánh rất nhiều nợ để xây nhà trước, phục vụ nhu cầu. Khu phức hợp mà Greenland Group xây dựng bao gồm một sân gôn, một trung tâm hội nghị và một khách sạn bán chưa được 5% số căn trước khi dự án dừng xây dựng. Nhà phát triển này chưa đưa ra lời giải thích về lý do vì sao dự án bị ngưng trệ.
Ước tính có khoảng 20 triệu căn nhà đã được bán trước nhưng chưa hoàn thiện trên toàn Trung Quốc. Khối lượng căn hộ khổng lồ chưa được bàn giao khiến nhiều hộ gia đình Trung Quốc rơi vào tình cảnh éo le.
Tháng 7/2023, Greenland đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế trị giá hơn 400 triệu USD. Mặc dù coi chính quyền Thượng Hải là cổ đông lớn, Greenland vẫn không thoát được tình trạng hỗn loạn trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cố gắng xả hơi bong bóng nhà ở của Trung Quốc bằng cách đưa ra những quy định nghiêm ngặt về nợ và dòng tiền đối với các nhà phát triển. Những gã khổng lồ sụp đổ kéo theo một chuỗi các vụ vỡ nợ khác.
Không chỉ có những dự án của Greenland Group dang dở, nhà phát triển bất động sản China Evergrande cũng có dự án chưa hoàn thành. Công ty đã nhận lệnh thanh lý của toà án vào tháng 1 năm nay.
Sự phát triển như vũ bão của China Evergrande là biểu tượng cho thấy thị trường bất động sản trở nên quan trọng thế nào đối với nền kinh tế chung của Trung Quốc. Evergrande đã để lại 800.000 ngôi nhà bán trước nhưng chưa hoàn thiện. Sự sụp đổ của tượng đài này khiến nhiều người mua nhà bức xúc. Những căn hộ mà họ phải trả tiền thế chấp vẫn chưa hoàn thành và không có dấu hiệu tiến triển.
Doanh số bán nhà mới xây tại Trung Quốc giảm 6% vào năm 2023, quay trở lại mức thấp chưa từng có từ năm 2016. Doanh số dự kiến sẽ còn giảm sâu hơn trong năm 2024 và 2025. Tập đoàn Evergrand và Greenland chưa lên tiếng về tình trạng những ngôi nhà dang dở.
Đối với nhiều người ở Trung Quốc, việc mua bất động sản từ lâu được coi là một trong những cách đầu tư tiền đảm bảo nhất. Nhưng chứng kiến những ngôi nhà bỏ hoang trên khắp cả nước, họ bắt đầu suy nghĩ lại. Hiện nay, nhiều người coi bất động sản là một trong những khoản đầu tư bất ổn nhất. Điều đó đặt ra thách thức to lớn đối với chính phủ Trung Quốc.
Tham khảo WSJ