BS.CKI Nguyễn Thị Lệ Chi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết hoạt động thể chất đều đặn tốt cho tim, giúp huyết áp tâm trương (chỉ số dưới trên máy đo huyết áp) giảm 5-8 mmHg, huyết áp tâm thu (chỉ số trên) giảm 4-10 mmHg. Tập thể dục còn duy trì cân nặng khỏe mạnh. Người thừa cân chỉ cần giảm 2-3 kg cũng có thể giảm huyết áp. Trung bình sau khoảng 1-3 tháng tập luyện thường xuyên, người bệnh có thể nhận thấy chỉ số huyết áp cải thiện.
Dưới đây là một số bài tập phù hợp cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Aerobic: Người tập aerobic cần vận động toàn thân bằng những động tác lặp đi lặp lại. Các nhóm cơ lớn trên cơ thể bao gồm cơ chân, vai, cánh tay phối hợp nhịp nhàng cùng nhau. Nhờ đó, tim, phổi, mạch máu, cơ hoạt động linh hoạt, điều hòa huyết áp.
Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe: Đây là những bộ môn đòi hỏi sự chuyển động uyển chuyển của tất cả cơ quan, có tác dụng điều hòa nhịp tim, cải thiện lưu thông máu. Khi hệ tuần hoàn hoạt động tốt, máu được bơm đi hiệu quả, giúp giảm áp lực lên thành động mạch, từ đó huyết áp cũng được kiểm soát tốt.
Tập tạ nhẹ: Các bài tập với tạ nhẹ (1-2 kg) là cách tốt để tăng cường cơ bắp mà không gây căng thẳng cho tim, hỗ trợ tuần hoàn máu và kiểm soát huyết áp.
Yoga: Đây là phương pháp tập luyện kết hợp giữa hơi thở, động tác, thiền định, hỗ trợ giảm căng thẳng, ổn định huyết áp.

Các bài tập yoga nhẹ nhàng giúp ổn định huyết áp hiệu quả. Ảnh: Hạ Vũ
Bệnh nhân tăng huyết áp lưu ý khởi động trước khi tập, hạ nhiệt khi đã tập xong. Khởi động đúng cách giúp nhịp tim, nhịp thở tăng dần để cơ thể thích nghi với việc tập luyện. Trong trường hợp huyết áp lúc nghỉ không kiểm soát tốt, người bệnh nên thận trọng khi tập thể dục cường độ cao. Huyết áp tâm thu khi nghỉ ngơi hơn 200 mmHg và huyết áp tâm trương hơn 110 mmHg là chống chỉ định tương đối.
Bác sĩ Chi khuyến cáo người bị huyết áp cao nên tập thể dục cường độ trung bình, ít nhất 150 phút một tuần (khoảng 30 phút mỗi ngày, duy trì 5 lần mỗi tuần) hoặc thay thế bằng tập cường độ cao khoảng 75 phút mỗi tuần. Người bệnh không nên tập quá sức ngay từ đầu mà cần tăng dần cường độ tập luyện. Thường xuyên kiểm tra nhịp tim trong khi tập bằng đồng hồ thông minh hoặc tự đếm nhịp tim trong một phút. Hỏi ý kiến bác sĩ để xem nhịp tim khi tập thể dục của bạn có trong ngưỡng an toàn hay không.
Nếu có biểu hiện bất thường như đau hoặc căng tức ngực, cổ, hàm, cánh tay, chóng mặt, khó thở, ngất xỉu... người bệnh nên dừng ngay và đến bệnh viện khám sớm.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |