Nhóm quỹ ngoại báo cáo vừa bán 500.000 cp Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã: PVD), vào 19/9, theo đó hạ sở hữu về 27,4 triệu cp, tương ứng với 4,92% vốn. Chiếu theo giá kết phiên 19/9, lượng cổ phiếu này trị giá khoảng 13 tỷ đồng.
Động thái bán ra xảy đến khi PVD tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 4. Trong một tháng (đến ngày 19/9), cổ phiếu ngành dầu khí đã giảm 6%. Tuy nhiên sau đó, PVD bật tăng trở lại 7% trong ba phiên gần nhất (đến 24/9).
Từ đầu năm, nhóm Dragon Capital đã 6 lần báo cáo mua hoặc bán làm tỷ lệ sở hữu tại PVD thay đổi qua mốc 5% vốn (bao gồm báo cáo giao dịch mới nhất).
Về tình hình kinh doanh, phân tích mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) cho thấy trong quý II doanh thu thuần của PVD đạt 2.254 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ), và lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng (giảm 17%).
Theo BSC, lợi nhuận suy giảm chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp giảm (từ mảng dịch vụ khoan), lỗ chênh lệch tỷ giá, lỗ từ công ty liên doanh liên kết.
Các chuyên gia kỳ vọng trong quý III, PVD ghi nhận lãi tỷ giá do diễn biến tỷ giá hạ nhiệt. Trong quý II, công ty ghi nhận 66 tỷ lỗ tỷ giá trong bối cảnh đồng USD tăng 4,6% từ đầu năm. Tuy nhiên, đến ngày 12/9, diễn biến tỷ giá hạ nhiệt đáng kể, đồng USD chỉ còn tăng 1% từ đầu năm. Vì thế, BSC kỳ vọng trong quý III PVD tiến hành hồi tố một phần khoản lỗ tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2024.
Doanh nghiệp dầu khí tiếp tục giữ kế hoạch đầu tư giàn khoan mới với vốn đầu tư 90 triệu USD. Hiện tại, PVD vẫn đang tìm giàn khoan với giá phù hợp, do đó, thời gian mua giàn dự kiến vào quý IV (lùi một quý so với kế hoạch trước).
BSC tiếp tục nhận thấy tốc độ tăng giá thuê giàn tiếp tục xu hướng tăng chậm lại. Tuy nhiên, giá thuê giàn vẫn ở mức cao so với quá khứ nên kỳ vọng mức nền lợi nhuận cao vẫn được đảm bảo. Đồng thời, kỳ vọng giá thuê giàn khó giảm trong ngắn và trung hạn do nhu cầu thuê vẫn có xu hướng tăng nhẹ trong khi nguồn cung không đổi.