Chuyện bắt đầu khi tôi bị cô giáo chủ nhiệm của con gọi điện mời lên trường. Cô nói con trai tôi – học lớp 8 – dạo này hay “bật” lại giáo viên trong lớp. Câu nói nghe sốc. Thằng bé vốn ngoan, ít nói, thành tích học tập không tệ, vậy mà giờ lại hỗn?
Tôi tức giận. Đã định về nhà cho nó một trận nên thân.
Nhưng khi ngồi đối diện con, tôi không quát, chỉ hỏi: “Sao lại cư xử như thế ở lớp?”.
Nó không một lời giải thích, cứ nhìn tôi – mặt lì như cái bàn gỗ. Tôi đã định đánh nhưng sợ con càng bướng hơn nên doạ: "Cứ chờ đấy, lát mẹ về rồi cả bố cả mẹ cùng "xử" mày".
Lát sau vợ về, tôi kể lại cho vợ nghe. Cô ấy không tỏ ra quá ngạc nhiên. "Em nghĩ… có khi nào nó thấy như thế là ngầu không?".
Tôi ngớ ra: “Ngầu?”

Ruby
Vợ tôi bắt đầu kể về một đoạn trong bộ phim Sex Education mà chúng tôi xem gần đây. Thực ra vợ tôi xem là chính, còn tôi chỉ ngồi bên cạnh thư giãn. Vợ tôi kể, những học sinh trong phim tuy tốt tính nhưng cũng rất hay "ra vẻ", cố gắng tìm ra chất riêng và đôi khi làm những hành động ngớ ngẩn hoặc sai quấy để thể hiện mình ngầu.
Chẳng hạn như đầu phim, có nữ sinh Ruby, nhà giàu, xinh đẹp, lập 1 hội quy tụ những người mà cô bé cho là "cùng đẳng cấp" với mình rồi đi bắt nạt người khác,... Hay nam sinh Adam cũng hay bắt nạt bạn.
Nghe vợ nói, tôi tự dưng xấu hổ, vì tôi cũng từng cố ngầu!
Hồi đi học, tôi từng cởi áo khoác mùa đông buộc ngang hông để "chất chơi" như phim Hàn, từng cố tình đi dép lê vào lớp, từng nói bậy cho giống mấy anh lớn, từng đánh nhau chỉ vì bị “nhìn đểu”. Thấy mọi người có vẻ khiếp mình, tôi tỏ ra tinh vi lắm.
Lúc đó tôi không biết bao nhiêu hành động mình từng nghĩ là "ngầu", thực ra chẳng ra gì.
Tôi nghĩ lại, thấy cũng đúng thôi. Tuổi mới lớn, đứa nào chẳng từng làm vài điều chỉ để thấy mình khác biệt? Chỉ là, đôi khi người lớn chúng ta quên mất mình từng như thế. Rồi lại quát mắng, dọa nạt… thay vì ngồi xuống, kể cho con nghe rằng: “Bố từng như con. Và bố hiểu, con chỉ đang loay hoay để tìm ra chính mình”.
Hôm sau, tôi kể với con chuyện ngày xưa của mình và bảo con: "Lớn rồi, con sẽ như bố bây giờ, thấy mình ngày xưa sao mà ngớ ngẩn thế! "Ngầu" là khi mình sống có ích cho xã hội, khi mình làm được điều tốt đẹp. Trong mắt bố bây giờ, "ngầu" là khi bố có công việc tốt, có thể báo đáp được cho ông bà, nuôi sống được vợ con, ốm đau thì có tiền mua thuốc, có tiền cho con học được môn này, môn kia,... Cãi cha, cãi mẹ, cãi thầy cô, đánh bạn,... không phải ngầu, mà là hành vi sai trái, được tán dương bởi những cái đầu chưa biết suy nghĩ thôi con ạ. Và bố cũng không thể mắng con được, vì bố cũng mất hàng chục năm mới nhận ra điều này mà. Con may mắn vì được bố "truyền thụ" sớm đấy".
Con tôi nghe xong cười khoái chí. Và sau hôm đó, tôi không còn nghe thấy lời phàn nàn nào về thái độ của con từ giáo viên nữa.
Cha mẹ thường nghĩ con cái cần mình dạy dỗ, uốn nắn – và đúng là như vậy. Nhưng để dạy được, mình cũng cần nhớ lại tuổi thơ của chính mình. Không phải để dễ dãi, mà để hiểu: cái “ngầu” trong mắt một đứa trẻ đôi khi chỉ là cách nó thử tìm vị trí của mình giữa tập thể.
Nếu cứ vội vàng dập tắt, dọa nạt, con sẽ không dám nói nữa. Và điều tệ nhất là: con không học được điều gì từ chính lỗi sai của mình – ngoài sự sợ hãi.
Tôi từng nghĩ vai trò của bố là dạy con phân biệt đúng sai. Giờ tôi hiểu thêm một điều: đôi khi cách tốt nhất để con hiểu đúng sai, là cho con thấy người lớn cũng từng sai – và đã thay đổi ra sao.