Hôm nay, 20/5, Pharma Group, KPMG và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã công bố báo cáo “Lộ trình tương lai của ngành thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam”. Báo cáo cho biết, thử nghiệm lâm sàng – mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái y tế – đang được xác định là đòn bẩy chiến lược để Việt Nam chuyển mình từ mục tiêu mở rộng tiếp cận y tế sang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có hàm lượng đổi mới sáng tạo.
Tính đến nay, Việt Nam đã đạt độ bao phủ y tế 95% dân số, sở hữu dân số hơn 100 triệu người với cơ cấu bệnh nhân đa dạng – những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng.
![]() |
Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng |
Báo cáo cũng nêu rõ, nếu triển khai hiệu quả các cải cách được khuyến nghị, đến năm 2029, thị trường thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam có thể đạt quy mô gần 750 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên đến 88,6%. Thành quả này không chỉ mang lại hàng nghìn việc làm có chuyên môn cao mà còn giúp người bệnh tiếp cận sớm hơn với các phương pháp điều trị hiện đại.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần vượt qua nhiều rào cản như quy trình phê duyệt phức tạp kéo dài từ 6–12 tháng, hạ tầng nghiên cứu thiếu đồng bộ (hiện chỉ có khoảng 40 cơ sở đạt chuẩn GCP), nhân lực còn hạn chế, cơ chế tài chính chưa linh hoạt và thiếu các chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.
Để tháo gỡ những nút thắt trên, báo cáo đề xuất một lộ trình cải cách toàn diện gồm hai nhóm chính sách và phi chính sách, triển khai trong ngắn hạn (2025), trung hạn (2026–2027) và dài hạn (2028–2029). Trong đó, các đề xuất nổi bật gồm đơn giản hóa thủ tục phê duyệt qua hệ thống trực tuyến tập trung, xây dựng trung tâm quốc gia làm đầu mối đào tạo và thúc đẩy hợp tác, thành lập quỹ thử nghiệm lâm sàng quốc gia, áp dụng quy trình rút gọn cho các nghiên cứu đã được phê duyệt bởi cơ quan quản lý quốc tế như FDA hay EMA.
Ngoài ra, việc triển khai hồ sơ song ngữ, nâng cao số lượng cơ sở được chứng nhận GCP, mở rộng các đơn vị thử nghiệm lâm sàng (CTU) và thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư là những giải pháp phi chính sách then chốt được nhấn mạnh.
![]() |
Các chuyên gia nhấn mạnh về việc cải cách từ chính sách đến hành động thực tế để nâng thế mạnh cạnh tranh cho y tế Việt Nam từ thử nghiệm lâm sàng |
Phát biểu tại lễ công bố, ông Darrell Oh – Chủ tịch Pharma Group nhận định: “Thử nghiệm lâm sàng là lĩnh vực tiềm năng tiếp theo trong phát triển R&D của Việt Nam. Những chính sách đồng bộ và hợp tác đa bên sẽ mở ra nhiều lợi ích về khoa học, kinh tế và y tế cộng đồng.”
Cùng quan điểm, Giáo sư Guy Thwaites – Giám đốc OUCRU – cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành điểm đến cạnh tranh toàn cầu nếu sớm áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất và tăng cường đối tác học thuật – công nghiệp.
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, Việt Nam cần hành động nhanh chóng nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, từ năm 2018 đến 2023, số lượng thử nghiệm mới tại Việt Nam suy giảm, với tốc độ tăng trưởng kép âm –3,4% mỗi năm, chủ yếu do những cản trở pháp lý và thiếu hấp dẫn trong thu hút tài trợ quốc tế.
Với những khuyến nghị cụ thể và tầm nhìn chiến lược rõ ràng, báo cáo từ Pharma Group, KPMG và OUCRU kỳ vọng sẽ là kim chỉ nam cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng y tế trong việc nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ nghiên cứu lâm sàng khu vực và toàn cầu.