Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 15/12, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm và 1 tuần giảm nhẹ so với cuối tuần trước xuống lần lượt 5,19%/năm và 6,08%/năm, trong khi đó, lãi suất bình quân kỳ hạn 2 tuần, 3 tháng và 6 tháng tăng mạnh.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tuần tăng 0,43 điểm % lên 7,46%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng cũng tăng lên 10,73%/năm và 10,93%/năm.
Trên thị trường mở, NHNN liên tục bơm thanh khoản trong tuần (12/12-16/12) thông qua kênh OMO với tổng giá trị là 32.133 tỷ đồng. Mức lãi suất trúng thầu rơi vào khoảng 6-6,4%/năm tại hai kỳ hạn 14 ngày và 91 ngày. NHNN không phát hành thêm tín phiếu mới.
Như vậy, NHNN tiếp tục phát hành thêm ở kỳ hạn 91 ngày. Điều này cho thấy động thái cung cấp thanh khoản hệ thống dài hạn hơn, và điều này cũng thường được quan sát thấy vào giai đoạn trước Tết Nguyên Đán, theo CTCP Chứng khoán SSI.
Trong tuần trước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động.
Tuy nhiên, thực tế nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với mức lãi suất cao từ 10 - 11%/năm. So với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Lãi suất ở mức cao khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy vào kênh tiết kiệm. Số liệu từ NHNN cho thấy tính đến cuối tháng 10, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ đồng so với tháng 9 chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư.
Trong đó, iền gửi của dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng.