Chúng tôi theo con đường nhựa rộng thênh thang dẫn vào xã Khánh Lâm, H.U Minh (Cà Mau), nơi từng là "tọa độ đỏ" trong những năm tháng chiến tranh. Tại đây, những rặng keo, tràm vươn mình trong gió, những ngôi nhà khang trang, cùng ao cá, ruộng tôm trù phú… như đang kể câu chuyện hồi sinh của vùng đất từng oằn mình trong bom đạn.

Diện mạo nông thôn H.U Minh ngày càng khởi sắc, trẻ em đến trường trên những con đường
ẢNH: GIA BÁCH
Dấu tích cũ, nhịp sống mới
Ông Huỳnh Văn Chiến (73 tuổi), cựu du kích xã Khánh Lâm, thỉnh thoảng vẫn dạo quanh kênh Dớn Hàng Gòn, nơi từng xảy ra nhiều trận đánh ác liệt. Ông nói: "Nơi này đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn. Chiến tranh đi qua, người còn lại vẫn nhắc nhau phải sống sao cho xứng với người đã nằm xuống".

Ông Huỳnh Văn Chiến cho rằng chiến tranh khép lại, xây dựng quê hương mới là cách tri ân xứng đáng nhất
Giờ đây, một bia tưởng niệm được dựng lên trang trọng giữa rừng tràm. Hằng năm, người dân đều tổ chức lễ tưởng niệm, không chỉ để nhắc nhớ quá khứ mà còn tiếp thêm niềm tin cho thế hệ sau.
Ông Dương Văn Bé, cựu du kích của xã Khánh Lâm, chia sẻ: "Chiến tranh khép lại, đời sống mới mở ra. Bây giờ chúng tôi làm ăn, xây dựng quê hương, đó mới là cách tri ân xứng đáng nhất". Hiện gia đình ông Bé canh tác mô hình "ruộng - ao - chuồng" trên 2 ha đất, thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Bé, làm ăn ở vùng đất U Minh bây giờ không chỉ dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối, mà còn phải biết học hỏi cái mới. "Giờ khác xưa rồi, tụi tôi dùng giống lúa chịu phèn, chịu mặn, chăm bón đúng kỹ thuật, giữ nước, xả phèn cho đất. Làm vậy lúa mới trúng, cá mới nhiều", ông Bé cười hiền. Theo ông, biết nghe cán bộ hướng dẫn, biết áp dụng kỹ thuật mới thì mới mong làm ăn khá lên, chứ không thể ỷ lại vào đất trời như hồi xưa.

Ông Dương Văn Bé vừa kể chuyện kháng chiến vừa nói chuyện sản xuất
Sau ngày đất nước thống nhất, H.U Minh trải qua thời gian phục hồi chậm chạp. Nhờ sự đầu tư đồng bộ của nhà nước và nỗ lực của người dân, hạ tầng giao thông, điện nước, y tế, giáo dục bắt đầu khởi sắc mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây. Các xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hòa, Khánh Hội, Khánh Tiến từng là những "căn cứ nổi" giữa rừng nay đã hoàn thiện hệ thống điện - đường - trường - trạm.
Tại xã Khánh Lâm, thu nhập bình quân hiện đạt 59 triệu đồng/người/năm. "Hơn 90% tuyến đường trong xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Các tuyến kênh cũng được nạo vét định kỳ để phục vụ sản xuất", ông Lê Thanh Mãi, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, cho biết.

Đường về kênh Dớn Hàng Gòn được đầu tư cơ bản, ô tô lưu thông suốt tuyến
Chính sách hỗ trợ nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết được triển khai rộng rãi. Hộ gia đình chính sách, người có công, hộ dân tộc thiểu số dần ổn định chỗ ở, điều kiện sinh hoạt cải thiện rõ rệt. "Ngày trước, mưa xuống là đường thành bùn lầy, muốn đi ra xã chứng giấy tờ, phải cuốc bộ mấy cây số. Bây giờ có đường bê tông tới tận nhà, xe 4 bánh chạy bon bon", bà Trần Thị Cẩm, ngụ xã Khánh Lâm, phấn khởi chia sẻ.
Bản "giao hưởng" của rừng và người
Với diện tích gần 40.000 ha, rừng là nguồn sinh kế cho người dân U Minh. Trong đó, nghề gác kèo ong không chỉ tạo thu nhập ổn định mà còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2020.
Ông Trần Văn Nhì (Út Nhì, 65 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nguyễn Phích, H.U Minh) nói: "Mỗi mùa ong, nếu thời tiết thuận lợi, gia đình tôi thu hoạch khoảng 600 lít mật, thu nhập hơn 300 triệu đồng. Kết hợp với các nguồn thu khác, tổng thu nhập của gia đình hơn 500 triệu đồng/năm".

Rừng sản xuất góp phần nâng cao đời sống người dân U Minh
Những năm gần đây, U Minh phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng tràm. Các tour tham quan Rừng quốc gia U Minh Hạ, gác kèo ong, trải nghiệm các món đặc sản đồng quê như cá rô kho tộ, lẩu mắm... đang dần thu hút khách du lịch miền Tây và TP.HCM.
Không chỉ nông nghiệp và du lịch, U Minh còn có thêm động lực mới từ công nghiệp. Khu công nghiệp khí - điện - đạm Khánh An góp phần giải quyết việc làm, kéo theo sự phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn.
Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND H.U Minh, khẳng định: "Phát triển U Minh Hạ hôm nay là sự hòa quyện giữa việc giữ gìn giá trị truyền thống và đầu tư cho tương lai. Đó là cách chúng tôi tri ân vùng đất đã kiên cường trong máu lửa".
Giờ nay, trên vùng đất U Minh, những cánh đồng lúa - tôm luân canh cho sản lượng ổn định; những đàn ong rừng từng mùa cho mật; những con đường bê tông nối dài vào tận xóm ấp. Người dân U Minh không nhắc nhiều về mất mát đã qua, mà chỉ cần mẫn làm việc, gây dựng cuộc sống, từng bước biến vùng đất hồi sinh này thành vùng đất của cơ hội mới.