Sống

Nhìn mức điểm sàn "bẫy" thí sinh, tôi đồng tình: Bỏ điểm sàn! Đừng biến các em thành "nạn nhân" của cuộc chơi may rủi

* Bài viết thể hiện quan điểm của chị Hoàng Anh T., một phụ huynh ở TP.HCM

Điểm sàn thấp: "Cửa ảo" dẫn đến "cơ hội ảo"

Đến thời điểm hiện tại, hàng loạt trường ĐH đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển với các phương thức như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp. Ghi nhận cho thấy, điểm sàn đã có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành trong một trường.

Điểm sàn là điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường ĐH hay Cao đẳng lấy làm cơ sở xét tuyển sinh. Điểm chuẩn là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển.

Chính vì tính chất khác nhau như vậy nên điểm chuẩn nhiều trường vượt xa điểm sàn. Có những trường dù điểm chuẩn ở mức rất cao nhưng điểm sàn đưa ra chỉ tương đương với các trường top giữa nên nhiều thí sinh bị "vỡ mộng" khi trường công bố điểm trúng tuyển.

Ảnh minh hoạ

Nhiều trường đặt điểm sàn 15 - 17 điểm trong khi điểm chuẩn thực tế lên 25 - 27 điểm, rõ ràng đây không còn là "ngưỡng an toàn" mà trở thành chiếc bẫy vô hình. Thí sinh 15 điểm nộp hồ sơ vào ngành điểm chuẩn 27 chẳng khác nào mua vé số với tỷ lệ trúng gần như bằng 0, nhưng vẫn phải trả giá bằng tiền bạc, công sức và cả nguyện vọng quý giá.

Không phải thí sinh nào cũng biết cách so điểm sàn với điểm chuẩn và phổ điểm của từng năm để biết độ chênh lệch, đồng thời tham khảo thêm phân tích của các chuyên gia, thầy cô nhiều kinh nghiệm để có cách lựa chọn chính xác.

Tôi hoàn toàn đồng ý với PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ trên Vietnamnet, khi ông gọi các trường có điểm chuẩn cao, nhưng đưa ra điểm sàn thấp là hành động "thiếu trách nhiệm".

Trên thực tế, các trường biết rõ phổ điểm và điểm chuẩn các năm, nhưng vẫn cố tình hạ sàn thấp đến mức phi thực tế, bởi mỗi nguyện vọng đăng ký, thí sinh phải đóng phí. Với hàng nghìn hồ sơ "ảo", trường thu về số tiền không nhỏ. Chưa kể, điểm sàn thấp giúp trường đánh bóng số liệu, khoe "lượt đăng ký khủng", dù biết phần lớn sẽ trượt.

Nhiều trường cũng không có đủ dữ liệu phân tích hoặc không dám cam kết chất lượng đầu vào, dẫn đến tâm lý: "Đặt sàn cao quá, sợ không đủ thí sinh đăng ký" => Mất chỉ tiêu, ảnh hưởng doanh thu. "Đặt sàn thấp thì an toàn, dù biết đa số sẽ trượt" => Thí sinh thành "nạn nhân" của cuộc chơi may rủi.

Cần quy định cứng về "khoảng cách tối đa giữa sàn và chuẩn"

Để chấm dứt tình trạng "điểm sàn như bánh vẽ", Bộ GD&ĐT nên:

Quy định chênh lệch tối đa giữa điểm sàn và điểm chuẩn (ví dụ: không quá 5 điểm).

Buộc các trường công bố dự báo điểm chuẩn dựa trên phổ điểm 3 năm.

Xử phạt trường lợi dụng điểm sàn để thu phí trá hình.

Bỏ điểm sàn: Vì sao đây là giải pháp tiến bộ?

Khi điểm sàn quá thấp so với điểm chuẩn, việc công bố mức sàn sẽ mất đi ý nghĩa. Do vậy ý tưởng bỏ điểm sàn (trừ các ngành đòi hỏi chất lượng cao như Y dược, Sư phạm, Bán dẫn..) mà dựa vào phổ điểm có thể đưa ra dự báo điểm chuẩn sát với các năm trước để thí sinh chủ động nộp hồ sơ là một ý tưởng mới mẻ và tiến bộ.

Điểm sàn không còn ý nghĩa thực tiễn

Khoảng cách hơn cả 10 điểm, 15 điểm giữa sàn và chuẩn ở nhiều trường chứng tỏ điểm sàn chỉ là con số hình thức. Thay vì đánh đố thí sinh, các trường nên công bố dự báo điểm chuẩn dựa trên phổ điểm và tỷ lệ chọi.

Giảm áp lực "ảo" cho thí sinh

Một học sinh đạt 18 điểm biết mình không thể vào ngành Công nghệ thông tin của 1 trường có điểm chuẩn năm ngoái 27 sẽ chủ động chọn trường khác thay vì ôm hy vọng hão huyền. Bỏ điểm sàn buộc các trường phải công khai minh bạch năng lực thí sinh cần có, tránh tình trạng "vơ bèo vạt tép" rồi đào thải sau.

Nâng cao trách nhiệm của trường đại học

Trường nào muốn thu hút thí sinh giỏi, buộc phải cải thiện chất lượng đào tạo thay vì dùng điểm sàn thấp để "dụ" hồ sơ. Đây cũng là cách loại bỏ những cơ sở giáo dục kém uy tín, chỉ tồn tại nhờ chiêu trò tuyển sinh.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm

Sáng nay (27/7), giá vàng SJC “neo” ở mốc 121,1 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng từ đầu tuần đến nay.

Đề xuất vị trí xây sân bay quốc tế Ninh Bình

UBND tỉnh Ninh Bình vừa gửi Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất đầu tư xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó đáng chú ý là đề xuất xây dựng Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình, dự kiến đặt tại phường Liêm Tuyền.

Giá vàng hôm nay, 26-7: Chưa dừng đà lao dốc

Giá vàng hôm nay tiếp tục giảm khi đồng USD tăng giá mạnh, nhà đầu tư ồ ạt chốt lời trong bối cảnh chính sách tiền tệ Mỹ tạo áp lực lên thị trường.