Tài chính

Nhiều vấn đề toàn cầu cấp bách chờ G20

Các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tham dự hội nghị thường niên tại TP Rio de Janeiro - Brazil trong 2 ngày 18 và 19-11, tập trung thảo luận về các vấn đề toàn cầu cấp thiết của thế giới.

Theo đài NHK, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về cách triển khai các biện pháp giải quyết nạn nghèo đói, cũng như trao đổi quan điểm về phát triển bền vững, trong đó có các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu.

Trước thềm hội nghị, theo Reuters hôm 18-11, G20 đã đạt được sự đồng thuận mong manh về vấn đề tài chính. Trước đó, các cuộc thảo luận về tuyên bố chung của hội nghị đã gặp trở ngại hôm 16-11 khi các quốc gia châu Âu thúc đẩy việc yêu cầu thêm nhiều quốc gia đóng góp. 

Tuy nhiên, các nước đang phát triển, trong đó có nước chủ nhà Brazil, đã phản đối đòi hỏi này. Dù vậy, đến ngày 17-11, các nhà đàm phán đã đồng ý với một văn bản đề cập các quốc gia đang phát triển tự nguyện đóng góp vào tài chính khí hậu, nhưng không coi đó là nghĩa vụ.

Khung cảnh trung tâm báo chí của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP Rio de Janeiro - Brazil hôm 17-11 Ảnh: THX

Khung cảnh trung tâm báo chí của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP Rio de Janeiro - Brazil hôm 17-11 Ảnh: THX

Vấn đề tài chính khí hậu cũng là tâm điểm tranh luận tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Azerbaijan từ ngày 11 đến 22-11. COP29 phải đặt mục tiêu mới về số tiền dành để giúp các nước đang phát triển thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Một số nước đang phát triển muốn mức cam kết hằng năm là 1.300 tỉ USD. 

Tuy nhiên, các quốc gia phát triển cho rằng một mục tiêu đầy tham vọng chỉ có thể đạt được nếu mở rộng danh sách đóng góp, bổ sung một số nước như Trung Quốc và các nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông.

Đáng chú ý, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra hai tháng trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Theo hãng tin Reuters, các cuộc thảo luận về thương mại, biến đổi khí hậu và an ninh quốc tế tại hội nghị G20 năm nay sẽ đối mặt những thay đổi chính sách mạnh mẽ của Mỹ dưới thời ông Trump. 

Các quan chức Brazil thừa nhận chương trình nghị sự của G20 năm nay - tập trung vào phát triển bền vững, đánh thuế người siêu giàu và chống đói nghèo - có thể sớm mất đà khi ông Trump bắt đầu xác định các ưu tiên toàn cầu mới sau khi nhậm chức.

Ngoài ra, nỗ lực thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu của Brazil, trong đó có các tổ chức tài chính đa phương, cũng có thể gặp trở ngại vì ông Trump. 

Chưa hết, các cuộc đàm phán thương mại xoay quanh G20 cũng bị phủ bóng bởi nỗi lo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang hơn nữa khi ông Trump dự định áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm