Thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) chiều 11-11, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) phản ánh từ đầu tháng 10 vừa qua, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu diễn ra trên diện rộng.
“Không hiếm các hình ảnh cây xăng đóng cửa hay người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua, không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở đâu, có nên duy trì quỹ này nữa hay không?” - ông Thịnh nêu vấn đề.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà). Ảnh: PHẠM THẮNG
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng đã đến lúc thay đổi cơ chế quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết khác hiệu quả hơn, để giá cả hàng hoá vận hành theo quy luật của thị trường.
“Vấn đề này cần được liên Bộ Tài chính- Công Thương cân nhắc một cách thận trọng hơn. Việc quy định lập quỹ Bình ổn giá thành một điều khoản riêng trong dự thảo (Điều 22) có thể là không phù hợp” - ông Thịnh nói thêm.
Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) trực tiếp đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ như hiện nay.
“Quỹ không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, nguồn hình thành từ giá mua do người tiêu dùng chi trả, hiện tại là 300 đồng/ lít nhưng lại do doanh nghiệp quản lý, quyết định” - ông Hoà cho rằng việc người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng Quỹ là điều rất bất cập, dẫn đến nghi vấn có thể gian dối.
ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp). Ảnh: PHẠM THẮNG
Cũng theo ĐB Hoà, hiện giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới nên cần theo cơ chế thị trường sẽ hợp lý hơn.
“Trong trường hợp thật cần thiết, nhà nước sẽ điều tiết giá xăng dầu bằng công cụ khác như thuế, phí và hỗ trợ khác cho đối tượng yếu thế” - ông Hoà nêu quan điểm.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng bình ổn giá là hành động can thiệp vào thị trường, chỉ nên sử dụng trong vài thời điểm nhất định, một vài trường hợp nhất định.
Đặc biệt với mặt hàng xăng dầu thì những gì đang diễn ra cho thấy cần sự điều chỉnh phù hợp. Trong biện pháp bình ổn giá, mục tiêu là đảm bảo cho thị trường ổn định nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG
“Trong câu chuyện xăng dầu hiện nay, tại sao doanh nghiệp nói càng nhập càng lỗ, càng bán càng lỗ thì chúng ta xác định mối quan hệ này thế nào?” - ông An đặt vấn đề và lưu ý đây thực sự là bài toán cần giải quyết.
ĐB Đồng Nai cũng cho hay ông không đồng tình việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính có nêu quỹ này là “bước đệm” bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc. “Tôi không hiểu bước đệm này là gì?” - ông An nói.
Ngoài ra, với các lý do ĐB nêu không nên tồn tại quỹ này, ông An đánh giá là “có lý”. “Chúng ta hiện có nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không có lý do gì cần tồn tại quỹ này” - ông Trịnh Xuân An nói thêm.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: PHẠM THẮNG
Nêu ý kiến giải trình về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay vấn đề này đã được lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ ngành. Quan điểm chung là giữ Quỹ này vì giá xăng dầu tăng thì ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô.
“Giữ Quỹ này giúp giảm sốc từ từ” - ông Phớc khẳng định.
Bộ trưởng Tài chính thông tin hiện nay có năm công cụ để Nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu, gồm thuế; chi phí định mức; nguồn cung; thông qua cấp phép để xây dựng bộ máy và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
“Càng nhiều công cụ thì càng đảm bảo điều chỉnh, giảm sốc giá xăng dầu phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định sản xuất kinh doanh, cuộc sống người dân... Người ta nói nếu kinh tế thị trường không có bàn tay của nhà nước thì giống như buông tay, bỏ một bàn tay” - ông Phớc nói.