Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên giao dịch cuối tuần đầy giông bão, VN-Index có thời điểm giảm hơn 52 điểm trước khi thu hẹp mức giảm còn 38,61 điểm (-3,59%). Sắc đỏ vẫn bao trùm thị trường, thậm chí toàn sàn có đến gần 270 mã giảm sàn. Trong bối cảnh đó, vẫn có một số cổ phiếu ngược dòng ấn tượng, thậm chí tăng kịch trần.
Nhóm vốn hóa lớn chứng kiến nỗ lực kéo xanh của VIC, VHM, SAB, VJC,... dù mức tăng không quá lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả rất đáng ghi nhận bởi trong phiên các cổ phiếu này đều có thời điểm giảm rất sâu và gây áp lực lớn lên chỉ số.
Trong khi đó, nhóm vốn hóa nhỏ hơn lại cho thấy khả năng hồi phục nhanh và mạnh điển hình là một số cái tên trong nhóm dầu khí như PVS, PVD, PVB, PVC. Các cổ phiếu này giao dịch đầy khởi sắc với thanh khoảng khá dồi dào ngay cả trong thời điểm thị trường giảm sâu nhất. Dù vậy, khá bất ngờ, các “ông lớn” như GAS, PLX, BSR vẫn chìm trong sắc đỏ.
Cổ phiếu dầu khí chia nửa buồn vui
Rất khó để lý giải cho biến động trái chiều trên. Theo một số nhận định, đà tăng mạnh của một số cổ phiếu dầu khí phần nào được hỗ trợ bởi thông tin giá dầu tiêp tục leo thang và giữ ở mức cao nhất 3 tuần sau khi OPEC+ đồng ý thắt chặt nguồn cung toàn cầu với một thỏa thuận cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, giảm nhiều nhất kể từ năm 2020. Tuy nhiên, luận điểm này có phần không thật sự thuyết phục bởi GAS và BSR được SSI Research đánh giá có độ nhạy với giá dầu cao hơn so với các cổ phiếu khác trong nhóm.
Một trường hợp đi ngược cả nhóm ngành khác là cổ phiếu HDC của Hodeco. Trong khi hàng loạt cổ phiếu bất động sản giảm sâu, thậm chí trắng sàn, HDC lại bất ngờ tăng mạnh, thậm chí có thời điểm còn chạm trần.
Mặc dù không thể tránh khỏi ảnh hưởng bởi thị trường chung nhưng HDC vẫn nằm trong số ít các cổ phiếu bất động sản chưa bị thủng đáy cũ. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 42.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 43% so với đáy xác nhận hồi trung tuần tháng 6 nhưng thấp hơn 53% so với đỉnh hồi giữa tháng 11 năm ngoái.
Cũng có một phiên ngược dòng ấn tượng là cổ phiếu HAX của Haxaco – đơn vị phân phối xe Mercedes chính hãng duy nhất trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu này cũng có thời điểm đã chạm giá trần trước khi mức tăng thu hẹp còn 3,3% và đóng cửa tại mức 20.650 đồng/cổ phiếu. So với đáy hồi giữa tháng 6, thị giá HAX đã tăng 42% tuy nhiên vẫn còn thấp hơn 38% so với đỉnh đạt được vào cuối tháng 3 năm nay.
Mới đây, Haxaco đã nối lại phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, công ty dự kiến phát hành thêm gần 49 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 100:86 (sở hữu 100 cổ phiếu, cổ đông sẽ có quyền mua 86 cổ phần mới). Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến sẽ tăng từ hơn 569 tỷ đồng lên hơn 1.059 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2022, Haxaco thông qua nghị quyết phương án chào bán 49,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, HĐQT tạm hoãn việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Lý do là diễn biến của thị trường không tốt ảnh hưởng đến lợi ích của công ty và lợi ích cổ đông.
Một trong những cái tên gây ấn tượng nhất phiên hôm nay phải kể đến STG của Sotrans khi cổ phiếu này tăng hết biên độ lên mức 34.600 đồng/cổ phiếu. Thực tế, cổ phiếu này đã bắt đầu đi ngược thị trường từ đầu tháng 10 với nhiều phiên trần. Chỉ trong 1 tuần qua, STG đã tăng gần 30% qua đó tiến sát đến đỉnh cũ đạt được hồi giữa tháng 11 năm ngoái.
Theo báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng các công ty logistics sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong 6 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong dài hạn, sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023. Trên thị trường quốc tế, giá cước vận tải giao ngay tiếp tục giảm khi Chỉ số WCI đã giảm 28% trong tháng qua, tương đương mức giảm 54% kể từ tháng 2 năm 2022. Nhiều chuyên gia trong ngành đồng ý rằng mùa cao điểm vận tải biển thường thấy hàng năm có khả năng sẽ không xảy ra trong năm nay do hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.