"Tình trạng thiếu lao động ở Nhật Bản đang diễn ra, bất kể nền kinh tế hoạt động tốt hay không. Chúng ta đang bắt đầu thiếu những dịch vụ thiết yếu do con người thực hiện để duy trì lối sống và hạ tầng xã hội của người dân", Shoto Furuya, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Recruit Works Institute (RWI), nói với FT.
RWI ước tính Nhật Bản sẽ thiếu hụt 11 triệu lao động vào năm 2040. Số người trên 65 tuổi hiện chiếm gần 30% dân số. Thời gian qua, nhiều dấu hiệu cho thấy nước này gặp khủng hoảng lao động. Đường sắt Trung tâm Nhật Bản không còn những chiếc xe đẩy đồ ăn trên tàu cao tốc Tokyo - Osaka kể từ tháng 10, hay các máy bán hàng tự động trên khắp cả nước không được lấp đầy hàng hóa trong nhiều ngày.
Một trong những cách quốc gia này triển khai để giải quyết thách thức là đưa công nghệ vào đời sống. Trong đó, AI, robot và người ảo là lực lượng lao động tiềm năng trong bốn lĩnh vực chính: xây dựng, vận tải, nông nghiệp và bán lẻ.
Ngành xây dựng ở Nhật Bản hiện gặp khó khăn trong việc thu hút nhân công trẻ và lao động nữ do thời gian làm việc dài, lao động chân tay nặng nhọc và lương thấp. Gần đây, chính sách về tăng lương và an sinh xã hội được đưa ra, nhưng vẫn không thể tuyển dụng đủ người. Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, số người làm việc trong lĩnh vực hiện còn 4,8 triệu công nhân, giảm 30% so với mức đỉnh năm 1997. Chỉ có 12% công nhân xây dựng ở độ tuổi dưới 29, trong khi 36% trên 55 tuổi.
Tuy nhiên, một số công ty lại nhìn ra cơ hội kinh doanh. Daniel Blank, CEO của công ty khởi nghiệp Toggle, đã bay từ New York đến Tokyo năm ngoái để giới thiệu giải pháp sử dụng robot công nghiệp nhằm tự động hóa một trong những quy trình vốn cần nhiều lao động nhất trong xây dựng: lắp ráp các thanh cốt thép. Công ty sau đó nhận được hợp đồng 1,5 triệu USD từ Tokyu Construction và Takemura, hai tập đoàn xây dựng lớn của Nhật Bản.
"Nhật Bản đang tìm kiếm công nghệ mới trên toàn cầu", Blank nói. "Thực sự, tất cả là do vấn đề thiếu hụt nhân sự. Nhân công đắt đỏ và khó tìm hơn. Cần những cách mới để thực hiện các dự án xây dựng".
Ở lĩnh vực vận tải đường bộ, quốc gia này đang lo ngại sự thiếu hụt lao động có thể dẫn đến suy giảm chất lượng các dịch vụ thiết yếu. Điều này đặc biệt nghiêm trọng, khi số lượng người Nhật trên 65 tuổi được dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2042.
Đến nay, các công ty như Toyota, Rakuten đang phát triển robot và xe tự lái để phân phối hàng hóa cũng như vận chuyển con người mà không cần đến tài xế. Tại nhà máy Motomachi ở tỉnh Aichi, Toyota bắt đầu sử dụng đội robot hậu cần để nhận và di chuyển ôtô đến khu vực chất hàng, đồng thời kỳ vọng thay thế 22 công nhân bằng 10 robot.
"Sự thiếu hụt tài xế xe tải không chỉ là vấn đề của năm 2024, mà chúng tôi đã phải đối mặt từ rất lâu trước đây. Robot chưa thể đáp ứng nhu cầu, nhưng có thể giải quyết được một số vấn đề trước mắt".
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Nhật Bản đang trên con đường tự chủ sản xuất nhiều mặt hàng hơn, nhưng việc không có đủ người làm đang khiến mục tiêu này ngày càng khó đạt được. Tuy nhiên, nông dân nơi đây cũng bắt đầu áp dụng robot và tự động hóa vào sản xuất.
Tại vùng đất nông nghiệp của quận Miyazaki miền nam Nhật Bản hè năm ngoái, một con vịt robot chạy bằng năng lượng mặt trời có tên Raicho 1 của Tmsuk đã được nông dân sử dụng để làm cỏ. Họ cũng dùng drone, robot để gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch vụ lúa. Tại các khu ruộng xa khu dân cư, người dân cũng trang bị súng phun nước áp suất cao và nhận diện tự động bằng AI để xua đuổi lợn rừng và hươu.
Đến nay, thống kê của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho thấy tổng số giờ con người tham gia quy trình trồng một vụ lúa đã giảm từ 529 xuống 29 người, tức 95% nhân lực. Tổng sản lượng lúa cũng giảm 20%, nhưng là mức chấp nhận được.
"Với 43% nông dân Nhật Bản trên 75 tuổi và độ tuổi trung bình của tất cả nông dân là gần 68, Nhật Bản có rất ít lựa chọn ngoài việc sử dụng lực lượng lao động robot", Yoichi Takamoto, CEO của Tmsuk, cho biết.
Theo Nikkei, hiện nhu cầu robot của Nhật Bản rất lớn. Một số công ty đang sử dụng hệ thống máy móc sản xuất trong nước, nhưng đa phần các cỗ máy được nhập về từ Trung Quốc.
Ở lĩnh vực bán lẻ, tình trạng thiếu lao động khiến Nhật Bản tìm đến các phương án người ảo và AI. Trong một cửa hàng của chuỗi bán lẻ Lawsons ở trung tâm Tokyo, khách hàng khi vào sẽ nhận lời chào từ một nhân viên có ngoại hình dễ thương, nhưng thông qua màn hình 48 inch. Người ảo được xây dựng và vận hành bởi công ty công nghệ Avita.
Các chuỗi bán lẻ và cửa hàng tiện lợi khác ở Nhật Bản cũng đang làm điều tương tự. Shogo Nishiguchi, CEO Avita, đặt tham vọng triển khai 100.000 người ảo trên khắp các cửa hàng vào năm 2030.
"Ở Nhật Bản, đặc biệt là vùng nông thôn, người ảo có thể giúp cửa hàng mở cửa 24/24 giờ. Với nhân viên thật, kể cả khi tăng lương gấp đôi, vẫn không có ai để thuê", ông nói.
(theo FT, Nikkei Asia)