Đầu tháng 6, hãng viễn thông Nhật Bản KDDI tuyên bố sẽ hợp tác với Sharp. Mục đích nhằm biến nhà máy sản xuất màn hình LCD đang gặp khó ở Sakai trở thành trung tâm dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo.
Bốn ngày sau, SoftBank, chi nhánh viễn thông của Tập đoàn SoftBank, cũng cho biết họ đã giành được “quyền đàm phán độc quyền” để mua phần lớn cơ sở vật chất từ Sharp.
SoftBank và KDDI chỉ là hai trong số các công ty đang chạy đua biến nhà máy trở thành trung tâm dữ liệu AI khổng lồ - sự chuyển đổi được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản có lợi thế hơn trong nỗ lực trở thành cường quốc trí tuệ nhân tạo. Một công ty Nhật Bản thứ ba gần đây cũng đang đàm phán chuyển đổi nhà máy Sakai làm trung tâm dữ liệu, theo Nikkei Asia.
Nhà máy Sakai nằm trên khu phức hợp công nghiệp rộng khoảng 700.000 mét vuông được xây dựng trên vùng đất khai hoang ở vịnh Osaka. Đây là nhà máy chính của Sharp chuyên sản xuất màn hình TV cỡ lớn - thành phần quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh doanh TV hàng đầu một thời của Sharp.
Tuy nhiên, nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng Nhật Bản này cho biết sắp tới sẽ ngừng sản xuất màn hình do cạnh tranh quá lớn từ phía đối thủ Trung Quốc. Quyết định theo đó mở ra một cuộc tranh giành nhằm tái sử dụng nhà máy tiềm năng này.
SoftBank dường như dẫn đầu cuộc đua khi tuyên bố đang đàm phán mua tới 60% cơ sở Sakai. SoftBank tuyên bố sẽ biến nhà máy trở thành trung tâm dữ liệu lớn, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh AI.
Trước đó, tập đoàn này cũng tuyên bố kế hoạch chi 10 nghìn tỷ yên (63 tỷ USD) để biến mình thành một ‘ông lớn AI’. Junichi Miyakawa, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SoftBank cho biết trong một cuộc họp báo cáo thu nhập rằng công ty của ông sẽ trở thành người “dẫn đầu thị trường về AI sáng tạo”.
“Vai trò của chúng tôi ở Nhật Bản là triển khai chiến lược AI của Tập đoàn SoftBank. Chúng tôi sẽ tiếp tục là đơn vị kinh doanh cốt lõi của tập đoàn”, đại diện chi nhánh viễn thông cho biết.
Về phần mình, KDDI cũng tham gia đàm phán với Sharp nhằm xây dựng “một trong những trung tâm dữ liệu AI lớn nhất châu Á”. Người phát ngôn cho biết công ty vẫn đang nỗ lực đạt mục tiêu ban đầu và điều quan trọng là sức mạnh công nghệ chứ không phải quy mô khu đất.
Cuộc đua biến nhà máy LCD thành trung tâm dữ liệu AI cho thấy nhu cầu trước mắt của Nhật Bản trong việc khẳng định năng lực trí tuệ nhân tạo. Việc thiết lập các trung tâm dữ liệu như vậy từ đầu có thể mất nhiều năm.
Yuji Iwama, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn bất động sản CBRE, cho biết các trung tâm dữ liệu ở Nhật Bản vẫn là một “thị trường eo hẹp”. Điều này đặc biệt đúng ở các khu vực đô thị.
“Các trung tâm dữ liệu tiêu thụ điện năng trên mỗi mét vuông nhiều hơn ít nhất 10 lần so với một văn phòng. Điều này khiến việc tìm ra một địa điểm lý tưởng trở nên rất khó khăn”, Yuji Iwama nói và cho biết trung tâm dữ liệu AI còn gặp thêm những khó khăn liên quan đến hệ thống làm mát để xử lý nhiệt. “Có rất ít trung tâm dữ liệu để vận hành GPU AI cho AI tổng hợp”.
Các chất bán dẫn được sử dụng phổ biến để đào tạo AI nổi tiếng bởi mức tiêu thụ điện năng và lượng nhiệt. Yugo Tsutsumi, nhà phân tích cấp cao tại Phòng thí nghiệm tình báo Tokai Tokyo, cho biết “lợi ích về tốc độ” trong việc tận dụng các tòa nhà hiện có chắc chắn đã nằm trong suy tính của SoftBank. Các công ty như Google và Microsoft cũng đang gấp rút nắm thóp chip AI phổ biến và xây dựng năng lực tính toán.
Theo Nikkei Asia, điều khiến Sakai trở nên đặc biệt nằm ở các tiện ích điện và tài nguyên nước. Cả hai đều là di sản từ tham vọng LCD của Sharp.
Cơ sở Sakai, khánh thành vào năm 2009, ban đầu được hình thành bởi một tập đoàn bao gồm 19 công ty sản xuất các sản phẩm LCD của Sharp. Đây được coi là viên ngọc quý khi tập đoàn cố gắng tận dụng lợi thế tích hợp theo chiều dọc hoặc tự cung cấp linh kiện để cắt giảm chi phí.
Đại diện của SoftBank cho biết sự hứa hẹn của Sakai còn nằm ở vị trí địa lý. Với nhiều trung tâm dữ liệu nằm gần Tokyo, việc phân tán sức mạnh tính toán để ngăn rủi ro gián đoạn là vô cùng hữu ích. Đó là lý do vì sao SoftBank cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu AI ở Hokkaido, hòn đảo cực bắc của Nhật Bản.
Đối với Sharp, việc ký thỏa thuận với các tập đoàn lớn như SoftBank hay KDDI có thể trở thành giải pháp cho mọi vấn đề. Nhà máy này từ lâu đã phải đối mặt với nhiều biến cố.
Người phát ngôn của công ty nói với Nikkei Asia: “Việc kinh doanh của chúng tôi, bao gồm TV, vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu, ngay cả sau khi công ty tạm dừng sản xuất màn hình LCD lớn. Về hoạt động kinh doanh linh kiện, Sharp sẽ theo đuổi liên minh hoặc tối ưu hóa các nhà máy”.
Tuy nhiên, còn một vấn đề vẫn chưa được giải quyết là điều gì sẽ xảy ra với các nhân viên sản xuất của nhà máy LCD. SoftBank và Sharp cho biết chưa có cuộc đàm phán cụ thể nào về việc tái phân bổ nhân sự từ nhà máy Sakai sang cơ sở mới.
SDP tuyển dụng khoảng 800 người, phần lớn làm việc trong các bộ phận liên quan đến sản xuất. Liên đoàn công nhân của Sharp cho biết công ty chưa đưa ra triển vọng cụ thể về tương lai của nhà máy Sakai vì mọi thứ vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Một nguồn tin của công đoàn cho biết: “Chúng tôi đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra. Điều tôi muốn là các mối lo của nhân viên được giải quyết càng sớm càng tốt”.
Theo: Nikkei Asia