Bộ Công Thương vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện hồ sơ về chủ trương mua bán điện, phương án đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam, cũng như bán điện ngược từ Việt Nam sang Lào để phục vụ thử nghiệm, đấu nối.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN làm rõ hơn về khả năng tiếp nhận, giải tỏa công suất nhà máy điện gió Trường Sơn 2 phụ thuộc vào tiến độ, vận hành lưới 220kV đấu nối với nhà máy điện gió Trường Sơn.
Đánh giá kỹ các yếu tố để đề xuất cơ chế giá nhập khẩu điện
EVN phối hợp với chủ đầu tư rà soát, nghiên cứu tính toán kỹ để đảm bảo vận hành an toàn, phù hợp với phương án đấu nối nhà máy đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ dự án đi vào vận hành sau thời điểm ngày 31-12-2025, đề xuất cơ chế giá điện tương ứng, đảm bảo tính khả thi.
Tập đoàn cần cập nhật tiến độ, tình trạng triển khai nguồn và lưới điện trong khu vực, bao gồm các nguồn điện nhập khẩu từ Lào.
Đánh giá kỹ tiến độ dự kiến đưa vào vận hành của dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn 2, các đường dây đấu nối để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện.
EVN cũng được giao phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện quốc gia (NSMO) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đánh giá nguy cơ thiếu điện vào các năm 2025 - 2027 của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, sự cần thiết nhập khẩu điện từ Lào nói chung và nhà máy điện gió Trường Sơn để đảm bảo cung cấp điện.
Đối với việc bán điện ngược phục vụ công tác thử nghiệm, tự dùng phục vụ quá trình thử nghiệm, vận hành của nhà máy điện gió Trường Sơn, Bộ Công Thương yêu cầu nghiên cứu, tính toán nhu cầu sử dụng công suất phù hợp với đặc tính, yêu cầu kỹ thuật vận hành của dự án.
Trước đó, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, EVN được giao tính toán khung giá phát điện nhập khẩu điện từ Lào cho giai đoạn từ 31-12-2025. Công ty Mua bán điện (EPTC), là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ này, cho hay hiện chưa có quy định về tính toán khung giá đối với các nguồn điện nhập khẩu.
Vì vậy, EPTC đề xuất xem xét khung giá phát điện nhập khẩu điện từ Lào với các tiêu chí cụ thể.
Nghiên cứu mức giá phù hợp
Bao gồm mức giá trần (giá tối đa) nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam với dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, sẽ là 6,95 cent/kWh, áp dụng với nhà máy điện vận hành trước ngày 31-12-2025.
Tuy nhiên, do điện gió là loại hình nguồn điện không ổn định, nên EPTC kiến nghị ngoài việc xác định khung giá phát điện nhập khẩu được tính toán là mức giá trần, thì sẽ tính trượt về năm 2025 theo tỉ lệ giảm suất đầu tư bình quân hằng năm là 3,46%.
Theo đó, giá trị khung giá phát điện nhập khẩu điện từ Lào áp dụng từ ngày 31-12-2025 đối với loại hình nhà máy điện gió là 5,51 UScents/kWh đã tính toán tỉ lệ giảm suất đầu tư.
Trên cơ sở tính toán của EPTC, hồi tháng 5-2024 EVN đã báo cáo Bộ Công Thương và đưa thêm các phương án khung giá phát điện nhập khẩu từ Lào là 5,51 cent/kWh và 6,4 cent/kWh để xin ý kiến phê duyệt khung giá phù hợp.
Bởi theo EVN, mặc dù luôn mong muốn có giá mua điện thấp để đảm bảo chi phí mua điện, song việc ban hành khung giá điện và phương pháp tính toán giá điện của từng dự án điện nhập khẩu từ Lào có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội mua điện của Việt Nam.
Cùng đó là các yếu tố ngoại giao, đảm bảo công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích nhập khẩu điện năng, thực hiện các mục tiêu hợp tác giữa hai Chính phủ, nên cần xem xét quyết định mức giá phù hợp đáp ứng các tiêu chí trên.
Còn kiến nghị vào tháng 7-2024, EVN tiếp tục đưa ra các kiến nghị liên quan tới việc nhập khẩu điện từ Nhà máy điện gió Trường Sơn 2 với công suất 350MW.
Dự án sẽ được nhập khẩu trên cơ sở chuyển tiếp trên đường dây 220kV mạch kép điện gió Trường Sơn - Đô Lương, đề nghị bộ sớm phê duyệt khung giá mua điện, phương pháp tính giá điện và hợp đồng mua bán điện mẫu để thực hiện nhập khẩu.