Càng về những ngày cuối năm, trong câu chuyện của giới văn phòng càng nhắc nhiều hơn về buổi tiệc tất niên của các công ty. Mỗi người một cảm xúc, người kêu than, người háo hức… và cũng không ít người tỏ ra ấm ức trong lòng bởi nhiều vấn đề khó nói.
Hãy cùng lắng nghe tâm sự của một số nhân viên, qua đó thấy được những “góc khuất” hiếm ai biết về buổi tiệc cuối năm của các công ty.
Tăng ca để “chạy chỉ tiêu” văn nghệ suốt hai tháng trời
Từ cuối tháng 10 là văn phòng nhiều công ty luôn sáng đèn đến tận 22 - 23 giờ đêm. Người ngoài nhìn vào mặc định rằng, hẳn cuối năm còn nhiều kế hoạch cần hoàn thiện nên nhân viên mới phải làm việc tới khuya như thế. Nhưng ai biết rằng, bên cạnh xử lý công việc, dân văn phòng còn đang “tăng ca” để bàn kế hoạch biểu diễn, đóng góp tiết mục cho buổi tiệc tổng kết của công ty, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12.
Anh Hải Nam chia sẻ: “Là công ty tài chính nên cuối năm, chúng tôi liên tục phải tham gia các cuộc họp báo cáo. Cũng phải chuẩn bị một lượng lớn văn bản, thẩm định, giấy tờ các loại. Nhưng thường thì một tuần cũng chỉ cần tăng ca 1-2 buổi, từ 18 giờ đến 19 giờ 30 là hòm hòm cho cuộc họp buổi sáng hôm sau rồi. Còn 3-4 buổi kia là tôi ngồi bàn tiết mục văn nghệ với anh chị em trong phòng”.
“Bộ phận văn hóa đã thông báo mỗi team phải chuẩn bị 2 tiết mục, sau đó sẽ tham gia buổi sơ duyệt và chọn 1 để biểu diễn trên sân khấu cuối năm. Cái này sẽ tính cả vào chỉ tiêu khen thưởng tháng 11 của team luôn, nếu không đạt sẽ bị khiển trách vì không có tinh thần tập thể, thiếu gắn kết với các đồng nghiệp”, nam nhân viên nói thêm.
Để có vài phút lung linh trên sân khấu cuối năm, đôi khi là thành quả của 2 tháng "tăng ca" triền miên của nhiều nhân viên. Ảnh minh họa: Pixels.
Nhân viên phải bỏ tiền túi để tham gia bữa tiệc khen chính mình
Vốn buổi tiệc cuối năm “đúng nghĩa” sẽ phải do các lãnh đạo công ty làm chủ với thiện chí là lời tri ân, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các nhân viên trong suốt một năm vất vả làm việc. Và các tiết mục biểu diễn chỉ là góp vui cho bầu không khí thêm phần náo nhiệt. Vậy mà, chẳng biết từ khi nào, nhân viên - những người đáng lẽ phải được chiêu đãi thịnh soạn nhất lại gánh thêm phần áp lực. Tan làm rồi, họ chẳng những phải vắt cạn sức lực và chất xám để suy nghĩ và tăng ca tập luyện mà có khi còn phải mất một khoản tiền kha khá.
Tiền thuê biên đạo, sắm trang phục đi tiệc cuối năm của nhân viên lên tới vài triệu đồng, tất cả đều do nhân viên tự bỏ tiền túi ra. Ảnh minh họa: Pixels.
“Tôi chẳng nhớ mình đã xem các tiết mục gì trong buổi tiệc hằng năm, chỉ nhớ năm nào cũng phải vắt óc cùng mọi người chọn lựa tiết mục biểu diễn. Mấy bài hát đồng ca hay múa dân gian đã quá cũ rồi, công ty yêu cầu năm nay phải đổi mới và thật đặc sắc, không thể chỉ tìm đại một clip sẵn có rồi tập theo mà thành tiết mục".
"Suy nghĩ cả tuần trời chưa ra, trong khi công việc thì chồng chất mà chẳng thể tập trung nổi. Sau cùng, một chị trong nhóm đề xuất thuê biên đạo, tất cả nhất trí luôn. Mỗi người đã phải góp 1,5 triệu đồng nhưng có người hướng dẫn biểu diễn, chị em chỉ tập luyện theo, tuy vẫn mệt nhưng còn hơn là không biết làm gì”, chị Minh Trang kể.
Trang phục để tham gia bữa tiệc cuối năm của công ty cũng là một vấn đề nan giản. Thu Trang cho biết: “Buổi year end party sẽ có 3 phần là: biểu diễn trên sân khấu, mở màn tri ân - khen thưởng và ăn tiệc. Công ty tôi yêu cầu mỗi phần, các phòng, ban phải mặc đồ theo màu quy định. Thế là tôi sẽ phải chuẩn bị 3 bộ đồ. Chưa kể, còn có các hoạt động khác nhau nên ngoài đôi giày cao gót, tôi phải sắm thêm 1 đôi giày để nhảy nhót nữa. Các chị team tôi thì thấy team bên cạnh đã chọn được giày đồng bộ nên nhất định không chịu thua kém, không muốn mọi người dùng đồ có sẵn mà phải mua hết đồ mới. Còn trang điểm cũng thuê riêng một nhóm thợ về hỗ trợ. Dự tính kinh phí cho ngoại hình là 3,5 triệu/người”.
“Year end party” còn là đấu trường cạnh tranh khác bên ngoài công sở
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào “year end party” trong nhiều năm gần đây, buổi tiệc này không còn đơn thuần là để tổng kết cuối năm mà còn trở thành một “đấu trường” lớn. Nội bộ công ty sẽ so kè trình độ biểu diễn văn nghệ và sự đầu tư, số tiền cũng như công sức bỏ ra giữa các đồng nghiệp, các phòng ban với nhau.
Nhưng chưa hết, các sếp cũng không nằm ngoài những cuộc “đấu đá” căng thẳng này. Bởi vì, ngoài nhân viên thì công ty cũng sẽ gửi lời mời tham gia đến nhiều đối tác và các đơn vị bạn. Có thể so sánh về doanh thu còn nhiều thứ để nói, nhưng riêng chuyện biểu diễn văn nghệ, không sếp nào muốn công ty mình xuề xòa, chịu thua các công ty khác, mặc cho kinh phí tổ chức có nhiều hay ít.
Ảnh minh họa: Pixels.
“Đến nói chuyện với nhau lúc ăn tiệc chúng tôi cũng phải rón rén, sợ có người ngoài nghe thấy. Còn chẳng ai dám đùa vui, kêu sếp năm sau tăng tiền thưởng nọ kia. Nếu sếp thoải mái thì yên ổn, còn nếu sếp chưa chuẩn bị tâm lý để phải nghe những lời đó thì coi như chuẩn bị tìm công việc mới đi là vừa”, anh Đức Trung nói.
Ở một bữa tiệc mà đáng lẽ ra mọi người phải cùng vui, vậy mà ở nhiều công ty, nhân viên cứ phải cáng đáng mọi thứ, lo này lo kia, tốn vài triệu đồng cho những thứ phù phiếm thì quả thật, dù có là người yêu công ty đến mấy cũng khó lòng bỏ qua được. Mà kể cả có nở nụ cười trên miệng thì cũng có thể chỉ là niềm vui miễn cưỡng, mong kết thúc thật nhanh để được “giải thoát”. Có lẽ bởi vậy mà một số nhân viên trẻ bây giờ đôi khi chấp nhận không cần khen thưởng và tìm ra trăm ngàn lý do để vắng mặt trong buổi “year end party”.