Con người sống trên đời, nếu muốn làm nên nghiệp lớn thì cần phải có cho mình những mối quan hệ xã giao tốt. Nhiều khi, muốn thành công, chỉ dựa vào bản thân đơn phương độc mã là điều không thể, bất kể trong công việc hay trong cuộc sống, chúng ta đều sẽ phải làm một công việc không thể không làm, đó là: giao tiếp với người khác. Tuy nhiên, con người lại có nghìn bộ mặt khác nhau, không ai giống ai, vì vậy, khi giao tiếp với người khác, bạn cần phải nắm bắt thật chắc một vài nguyên tắc dưới đây:
1. Việc nhỏ có thể thỏa hiệp, nhưng việc lớn phải có chủ kiến
Trong thực tế cuộc sống, làm người phải ôn hòa, hiền lành, nhưng không thể không có nguyên tắc. Trong mọi việc diễn ra, có thể nhắm một mắt, mở một mắt, không nhất thiết phải phân rạch ròi đúng sai. Nhưng, khi nói đến vấn đề nguyên tắc, nhất định phải có chủ kiến và lập trường của mình, không thể gió chiều nào che chiều nấy, thả trôi theo con sóng, đánh mất đi cái tôi của mình. Chuyện nhỏ có thể thỏa hiệp, chuyện lớn không thương lượng, đây cũng là một kiểu trí tuệ trong xử thế. Kiểu trí tuệ này nếu biết cách áp dụng đúng đắn, "nhân duyên" của bạn chắc chắn không tồi.
2. Lời nói có chừng mực
Thế gian này không có người hoàn mỹ, cũng không có chuyện hoàn hảo. Trong giao tiếp, nếu người khác không cẩn thận phạm lỗi, đừng nóng giận rồi trách móc, dồn người ta tới đường cùng. Chỉ cần bạn chỉ ra được lỗi sai của người ta là được rồi. Không cần phải nói dài dòng, nói nhiều rồi càng dễ khiến tâm lý người ta sản sinh sự phản cảm.
Ngoài mặt thì họ tỏ ra biết sai rồi sẽ sửa, nhưng thực ra trong lòng lại ghi hận với bạn. Nhiều khi, khổ tâm của mình, người khác chưa chắc đã hiểu. Những người biết nói chuyện "linh hoạt" đều là những người tiến được mà cũng lui được. Trong cuộc sống, những người có "nhân duyên" tốt, phần lớn đều có một điểm chung, đó là: nhìn thấu nhưng không nói thấu, biết lúc nào nên giả ngốc, nhắm mắt làm ngơ.
Những người như vậy, khi giao tiếp với người khác sẽ đem lại cảm giác thân thiết, gần gũi, khiến người nghe cảm thấy thoải mái, người khác tự nhiên sẽ muốn làm bạn với họ. Nói chuyện nên có chừng mực, đừng nói toẹt hết ra, cũng là đang để lại một con đường lui cho bản thân.
3. Giữ khoảng cách, tạo cảm giác bí ẩn
Cảm giác bí ẩn ở đây không phải là tỏ ra bí hiểm, khó hiểu mà là một đạo trong hòa hợp giữa người với người: không nên quá gần, cũng đừng quá xa. Đặc biệt là trong công việc, nhất định phải nắm cho vững cái "mức độ" này. Khi giao tiếp với người khác, quản cho tốt cái miệng của mình, đừng cái gì cũng nghe ngóng, cái gì cũng nói ra.
Bạn cần phải biết rằng: không phải tất cả mọi người đều đáng để thân thiết, đáng để tin tưởng. Chẳng hạn như mâu thuẫn gia đình mình, tốt nhất đừng kể chuyện này ra với ai. Chưa nói đến cái phiền não này của bạn, người khác căn bản không thể đồng cảm, cho dù họ có hiểu thì đã làm sao, không ai có thể thay thế bản thân, vấn đề của mình phải tự mình giải quyết. Nếu như câu chuyện của bạn bị người ta thêm mắm thêm muối, ông nói bà gà nói vịt, vậy thì tới lúc đó bạn có muốn thanh minh, e là cũng chẳng có ai muốn nghe hay bận tâm.
Thế giới này không phức tạp, nhưng cũng không đơn giản như bạn nghĩ. Vì vậy, con người đôi khi phải có một tâm lý nửa tỉnh nửa mơ. Người thực sự thông minh, khi giao tiếp với người khác luôn có những nguyên tắc và phương pháp của riêng mình, họ chú ý tới nhất cử nhất ngôn của mình, không bao giờ để người khác dắt mũi đi. Trong cuộc sống, hãy vận dụng thật khéo léo 3 nguyên tắc trên, làm một người: khiến bản thân, khiến cả người khác đều cảm thấy thoải mái.