Mời bạn xem thêm các câu chuyện truyền cảm hứng trong serie Khởi nghiệp 0-1
...Ka Coffee và nhà sáng lập Vũ Trường Giang
Base.vn - True Platform và CEO Phạm Kim Hùng
Cách đây hơn 3 năm, với lòng tự ái dân tộc khi thấy nông sản Việt dù vừa ngon vừa lành, song không chỉ thua trên sân khách mà cả sân nhà, Phạm Ngọc Anh Tùng đã đứng ra thành lập FoodMap. Như chia sẻ của Tùng là: “Để mình có thể tự do về thời gian, tự do về không gian, tự do suy nghĩ! ”, Tùng muốn làm điều mà bản thân muốn, mà không thể kiếm tìm ở nơi khác.
Hành trang khởi nghiệp của Tùng chỉ có kiến thức công nghệ - đặc biệt là mảng tự động hóa, thứ mà anh được đào tạo và cực kỳ yêu thích - cộng với sự hiểu biết sâu rộng về ngành nông nghiệp Việt và thế giới. Trước đó, Tùng có cơ hội tham gia sâu bên trong nhiều chuỗi cung ứng Việt và đi tới 14 nước trong 3 năm, từng đảm nhiệm vai trò Giám Đốc Nông trại Cầu Đất Farm ở tuổi 25.
Sau hơn 3,5 năm, FoodMap của hiện tại đã nên vóc nên dạng và những ý tưởng, ước mơ của anh phần nào trở thành sự thật. Phạm Ngọc Anh Tùng, từ một tài năng tự động hóa sau khi thắng rất nhiều cuộc thi về robot thời sinh viên ở Bách Khoa TP.HCM, giờ đây đã trở thành một doanh nhân chững chạc. Đường còn xa vạn dặm, nhưng ít ra anh đã biết được hướng đi của mình là hoàn toàn chính xác.
Chào Tùng. Bạn còn nhớ đặc sản đầu tiên được chọn để bán trên nền tảng TMĐT FoodMap là gì không? Lý do vì sao bạn chọn sản phẩm đó?
FoodMap được thành lập vào tháng 12/2018. Tại thời điểm đó, sản phẩm đầu tiên mà chúng tôi bán là hồng treo gió của Đà Lạt. Hồng treo gió là một đặc sản khá nổi tiếng của Đà Lạt, đặc biệt là ở Cầu Đất, và tôi đã có 3 năm làm việc với bà con nông dân ở Cầu Đất nên rất hiểu sản phẩm đó.
Ngoài ra, sở dĩ chúng tôi chọn hồng treo gió để phân phối: đầu tiên là vì hồng treo gió rất ngon. Theo quan sát của tôi, thì 10 người ăn sẽ có 9 người khen ngon.
Thứ hai, câu chuyện về loại quả này rất hay. Với hồng Đà Lạt tại Cầu Đất, có mùa vụ nông dân để thối trên cây không hái, vì giá bán quá rẻ. FoodMap mang hồng công nghệ và phương thức sản xuất mới, tạo được nhiều giá trị gia tăng cho nông sản.
Thứ ba là tôi rất hiểu sản phẩm này, từ phương cách sản xuất và bảo quản làm sao để dài ngày vẫn ngon.
Hay nói cách khác, tại thời điểm tôi khởi sự FoodMap chỉ có hai bàn tay trắng, đúng nghĩa kiểu ‘tay không bắt giặc’. Website là được anh em hỗ trợ, văn phòng đầu tiên được anh Hải Ninh – nhà sáng lập The Coffee House cho mượn, những công nợ đầu tiên được bà con đồng ý ‘mua trước, trả sau’.
Có thể nói, nhờ quá trình ‘ăn nằm’ với nông nghiệp, có những hiểu biết và xây dựng các mối quan hệ với bà con nông dân rất sâu, nên dù tay trắng tôi vẫn có thể bắt đầu khởi nghiệp. Tôi nghĩ, đây là những tài sản lớn nhất của tôi. Đối với những người trẻ, thì tài sản lớn nhất không nằm ở vật chất mà ở tư duy và kiến thức của mình, kinh nghiệm của mình trong quá khứ. Đó là những thứ không thể mất đi được và đó cũng chính là nền tảng để tôi xây dựng FoodMap trong giai đoạn đầu. Có thể nói, trong những ngày đầu, cái mình có chỉ là đam mê, kinh nghiệm và các mối quan hệ.
Vậy hiện FoodMap đã đến giai đoạn nào rồi?
Trong 3,5 năm qua, FoodMap đã phát triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất như đã nói ở trên, giai đoạn thứ 2 là từ 7/2020, chúng tôi nhận được đầu tư từ quỹ WaveMaker (trước đó chúng tôi có được đầu tư một ít từ nhà đầu tư thiên thần). FoodMap từ một công ty bé xíu bắt đầu lớn hơn một chút, có sự chuyên nghiệp nhất định.
Từ tháng 7/2020 – 9/2021, thời gian hơn 1 năm, chúng tôi chuyển từ văn phòng cũ sang văn phòng mới tại đây. Công ty bắt đầu to lên trở thành ‘top of mind’ trên thị trường, tăng trưởng 7 lần về doanh số. Đến 9/2021, FoodMap kết thúc vòng pre Series A với 4 nhà đầu tư và gần 3 triệu USD tiền vốn được rót, biến FoodMap trở thành công ty top đầu Việt Nam trong mảng AgriTech.
Đây là những bước tiến biến FoodMap từ bán chuyên nghiệp lên chuyên nghiệp với 100 nhân sự và có những quản lý đầu ngành ‘săn’ được từ những tập đoàn lớn ở Việt Nam về, để phát triển doanh nghiệp thật nhanh.
Hiện tại, mức lương của FoodMap không cạnh tranh nếu so với các tập đoàn nước ngoài, đại đa số mọi người về đây đều chấp nhận mức lương bằng và thấp hơn. Cái mà tôi cảm nhận được, là niềm tin của các bạn Gen Z – những bạn trẻ sinh khoảng năm 1996/1997/1998, đó những người tập hợp tốt ở FoodMap. Các bạn rất thích nông nghiệp và đại đa số có bố mẹ đang hoặc đã từng làm nông nghiệp.
Tức là các bạn ấy biết ba mẹ, bà con của mình làm nông nghiệp cực khổ nhưng thu nhập thấp như thế nào và các bạn muốn đồng hành cùng FoodMap để thay đổi thực trạng đó. Tôi nghĩ trong khoảng 3-5 năm nữa, những người trẻ này sẽ trở thành những cái tên có ảnh hưởng trong giới nông nghiệp Việt Nam.
Đó là lý do vì sao FoodMap đã dần trở thành một doanh nghiệp gần chuyên nghiệp – từ nhân sự, quy mô và doanh số. Trước đây, FoodMap vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực nên chưa làm được nhiều điều muốn trong chuỗi cung ứng, giờ đây những định vị của tôi đã dần trở thành sự thật chứ không chỉ là suy nghĩ trong đầu nữa.
Sau hơn 3,5 năm, FoodMap đã đến điểm hòa vốn chưa?
FoodMap đang trong giai đoạn tăng trưởng, có nghĩa là với mô hình kinh doanh hiện tại, chúng tôi muốn đẩy mạnh tăng trưởng về thị phần. Tuy nhiên, ở khía cạnh quản trị rủi ro, chúng tôi có thể ‘bóp’ quy mô lại, để có thêm doanh thu đạt đến điểm hòa vốn hoặc có lợi nhuận, bất cứ lúc nào mình muốn.
Nhưng tăng trưởng cũng có nhiều loại tăng trưởng, ví dụ như ‘đốt tiền’ để tăng trưởng…?
FoodMap sẽ không ‘đốt’ tiền để tăng trưởng, đây là một tiêu chí quan trọng khi tôi vận hành FoodMap, đã đề ra từ những ngày đầu. FoodMap chỉ “spend” – tức chi tiền hợp lý để tăng trưởng, chứ sẽ không “burn” – đốt tiền.
FoodMap có thể bỏ ra rất nhiều tiền để mở rộng thị phần, nhưng nó phải mang lại tác động, giá trị bền vững trong tương lai, chứ không hẳn là bỏ tiền ra để lấy doanh số hoặc thị phần thật nhanh.
Ở FoodMap, tỷ suất lợi nhuận là một trong những chỉ số quan trọng. Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa, ở FoodMap không có chuyện đốt tiền, mà chi tiền hợp lý là cách nói chính xác hơn.
Việc kết nối với bà con nông dân có tốn nhiều chi phí hay không?
Thật ra thì việc kết nối với bà con nông dân không tốn quá nhiều chi phí, cái ngốn nhiều tiền nhất của FoodMap chính là xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ.
Chiến lược của FoodMap có 2 phần chính gồm chuyện làm sao gần bà con nông dân nhất có thể, từ vườn của bà con nông dân bước ra một cái là sẽ thấy FoodMap. Từ năm 2022, FoodMap đã xây dựng các vựa thu mua, trung tâm sơ chế tại các vùng trồng lớn, như ở Trà Vinh, Tiền Giang, Đắc Nông và Đắc Lắc. Sắp tới, ở Đắc Lắc – FoodMap sẽ khánh thành một nhà máy vựa trái cây rộng 1,2 hecta.
Sở dĩ nó được gọi là nhà máy vì có sơ chế, giống như các “packing house” ở nước ngoài. “Packing house” sẽ có những nhiệm vụ như sau: thu mua, phân loại, sơ chế và đóng gói hoàn chỉnh nông sản bằng máy móc thiết bị tự động. Một trong những mục tiêu quan trọng của FoodMap trong năm 2022, là làm sao bà con vừa bước chân ra khỏi nhà hoặc vườn thì sẽ thấy FoodMap liền. Tức bà con sẽ rất dễ dàng trong việc giao dịch mua bán với FoodMap.
Bên cạnh đó, logistics – kho bãi chỉ là những đầu tư về mặt vật lý, còn công nghệ mới chính là yếu tốt kết nối và tối ưu vận hành. Làm sao để FoodMap có thể cập nhật giá nông sản realtime (theo thời gian thực) và làm sao để đội ngũ bán hàng của FoodMap có thể nhận được thông tin về giá ngay lập tức, nhằm đưa ra những lời đề nghị tốt cho khách hàng; rồi làm sao, để tối ưu được vận chuyển hoặc bảo quản.
Ở FoodMap, yếu tố công nghệ được đặt lên hàng đầu và FoodMap là một công ty công nghệ. Vậy nên, FoodMap khá khác biệt so với các công ty startup làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài hệ thống công nghệ, để làm sao để vận hành kho bãi tối ưu, thì chúng tôi còn sử dụng hệ thống IoT để làm sao tracking – theo dõi được tất cả các yếu tố khác trong kho như nhiệt độ, ánh sáng… tức là biết rõ nông sản của mình đang được bảo quản trong điều kiện như thế nào, có thể tươi xanh trong bao nhiêu ngày, nhằm tối ưu hơn nữa vấn đề bảo quản.
Chuyên ngành của tôi là tự động hóa, nên 5 năm trước, tôi và các cộng sự của mình từng áp dụng một hệ thống công nghệ tự động hóa ở Cầu Đất Farm. Bây giờ, ‘bức tranh’ đó được tái hiện lại ở FoodMap và làm một cách tốt hơn. Vàôi là người ‘vẽ’ nên bức tranh này chứ không phải người khác.
Hình dung của tôi, cái khó không phải là hệ thống công nghệ hay kho bãi – vì có tiền thì ai cũng có thể đầu tư được, mà quan trọng là sau khi có số liệu từ các hoạt động kinh doanh diễn ra hàng ngày, chúng ta sẽ sử dụng số liệu đó như thế nào để có thể ngày càng tối ưu hoạt động của doanh nghiệp?
Đúng là như vậy. Bởi vì công nghệ thì nhiều người có thể bắt chước được, và trên thế giới những công nghệ mà FoodMap đang đầu tư không khó. Tuy nhiên, cái khó ở đây là mình phải đủ hiểu về ngành và mô hình kinh doanh của mình, để ứng dụng công nghệ một cách nhuần nhuyễn và thật sự hiệu quả, tối ưu các hoạt động của doanh nghiệp.
Trong ngành nông nghiệp, chúng ta cần rất nhiều thời gian thì mới hiểu sâu sắc nó, vì đây là một lĩnh vực khá truyền thống và phức tạp. Ví dụ,: trong mảng kinh doanh rau, các cô chú thương lái có một câu cửa miệng là ‘sáng rau – chiều rác’, có nghĩa là sáng bán không được thì chiều bỏ đi. Hoặc bán sầu riêng, nếu hôm nay chúng ta nhập kho 1 tấn chẳng hạn, sau 2 ngày chỉ còn 800kg, vì nó hao hụt rất nhanh và nhiều.
Vậy làm sao mình có thể đo lường được những điều đó, để đưa ra những giải pháp phù hợp cũng như tư vấn ngược lại cho khách hàng? Làm sao để họ hiểu được điều đó?
Có thể xem, chuyện am hiểu sâu sắc nền nông nghiệp Việt Nam là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Tùng và FoodMap? Vì về ngành tự động hóa thì có rất nhiều người giỏi…
Có thể hiểu là như vậy. Bởi ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều rào cản, ví dụ đại đa số bạn bè của tôi từ quê lên. Trước đây nhà cũng làm nông nghiệp, họ cố học thật giỏi rồi vào TP.HCM lập nghiệp và ở lại đây luôn. Sự dịch chuyển những bạn trẻ giỏi từ vùng nông nghiệp về vùng đô thị đang là xu hướng diễn ra vài chục năm qua.
Trong khi, để thật sự hiểu biết và làm về nông nghiệp, mình phải từ đô thị về nông thôn để ‘ăn nằm’ với người nông dân. Thực tế là rất ít bạn trẻ chịu quay trở lại nông thôn để làm điều đó, trong khi vùng nông nghiệp tại TP.HCM thì đâu có nhiều!
Hồi mới ra trường, tôi học ở TP.HCM và được tiếp thu tri thức hiện đại; sau đó lại có cơ hội lên Đà Lạt – Cầu Đất để tìm hiểu về nông nghiệp và lăn lộn 3 năm ở đó, đảm nhận nhiều vai trò trong chuỗi cung ứng nông nghiệp.
FoodMap là sàn thương mại điện tử chuyên bán lẻ (B2C) hay bán buôn (B2B)?
Điều này thì chúng tôi ít truyền thông ra ngoài, chứ ở FoodMap, B2B đang nhiều hơn B2C – chiếm tới 75% doanh số.
Chúng tôi cung cấp hàng cho những chuỗi bán lẻ rất lớn như Metro Mart, Bách Hóa Xanh, Lotte… Về bán lẻ, FoodMap có làm, nhưng chỉ bán online, tập trung ở website foodmap.asia hoặc lên sàn TMĐT khác như Lazada, Shopee, Tiki hoặc Grab... Về xuất khẩu, hiện tại FoodMap mới chỉ xuất khẩu thử nghiệm vào thị trường Nhật Bản trong năm 2022 với một vài container đầu tiên.
Có phải việc đi kênh B2B nhiều hơn đã giúp mô hình của FoodMap giảm bớt rủi ro hơn? Vì như chúng ta biết, TMĐT là mảng rất khó, nếu bán thực phẩm nữa thì khó gấp đôi?
Từ lúc làm FoodMap, ngay từ ban đầu tôi đã muốn giải quyết khối lượng lớn nông sản cho bà con nông dân. Tức là mình phải bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân. Muốn nói gì với người nông dân, thì trước hết bạn phải bán được hết hàng cho họ cái đã!
Để làm được điều đó thì mình phải bán sỉ với số lượng lớn, còn nếu chỉ bán B2C thì số lượng không được lớn hoặc nếu muốn bán số lượng lớn thì thời gian sẽ rất là dài để có thể đi tới điểm đó. Đó là lý do vì sao, FoodMap rất chú trọng B2B, bởi chỉ có kênh B2B mình mới bán được số lượng lớn nông sản trong thời ngắn. Tất cả nhằm giảm thiểu sự hao hụt nhất có thể.
Cụ thể: khi mình tiêu thụ nông sản cho bà con, thì mình phải làm sao để bán hết tất cả các mẫu mã trong một sản phẩm: ví dụ một vườn cam khi thu hoạch thì có cam loại 1, loại 2, loại 3; cam thích hợp bán siêu thị; cam chỉ có thể dùng để vắt nước…
Đó là lý do vì sao FoodMap phải xây dựng một hệ thống multi channel - bán hàng đa kênh. Có nghĩa là hàng loại 1 thì bán siêu thị, loại 2 và 3 thì bán vào chợ, một số hàng thượng hạng phù hợp với các kênh có thương hiệu thì bán vào đó. Tất cả những hành động của FoodMap là để làm sao có thể bán được hết tất cả các phân loại sản phẩm, thì mới tối ưu được giá cho bà con.
Bài toán của FoodMap không phải là online hay offline, B2B hay B2C, mà làm sao có thể bán được hết hàng cho nông dân.
Tóm lại, tất cả những gì mà Tùng và FoodMap đang làm, là làm sao bán hết được tất cả nông sản mà người nông dân thu hoạch được với giá trị cao nhất?
Tôi có một niềm mong ước: làm sao có thể bán được nông sản Việt với giá trị cao.
Trước đây, ở Cầu Đất, khi chúng tôi xuất khẩu trà sang Đài Loan. Thời điểm đó xuất khẩu trà ô long sang Đài Loan chỉ có 9 đến 10 USD/kg, nhưng nếu xét ra thì Cầu Đất cũng đã xuất khẩu với giá cao hơn những nông trại khác. Nhưng mà, Đài Loan xuất sang Mỹ tới hơn 100 USD/kg, tức là mức giá của mình có khi chưa được 1/10 của người Đài Loan.
Tôi là người sống trên đồi chè, nên hiểu được bà con nông dân trồng chè đã vất vả như thế nào, mỗi buổi sáng họ phải dậy từ 4 đến 5 giờ sáng để thu hoạch chè bằng cách hái từng búp non nhỏ và thời tiết ở Cầu Đất rất khắc nghiệt, có khi vừa lạnh vừa mưa.
Rồi sau đó, phải trải qua 36 tiếng liên tục để biến những búp chè đó thành viên trà ô long cao cấp. Quy trình ở đây là phải làm 28 đến 36 tiếng liên tục không nghỉ, có nghĩa là phải làm ngày làm đêm. Chưa kể có những lúc thời tiết xấu, những mẻ chè đó không đạt chất lượng thì thương lái cũng không thu mua. Toàn bộ những cái rủi ro là người sản xuất và nông dân phải gánh chịu.
Tôi thật sự hiểu được nỗi cơ cực của bà con nông khi làm chè ô long, song họ chỉ hưởng rất ít giá trị thương mại mà thương lái bán ra. Nguyên do là mình không có thương hiệu, mình không đưa được những câu chuyện để tạo nên thương hiệu riêng của trà Việt Nam cho những thị trường trực tiếp như Mỹ - châu Âu. Thậm chí, nhiều người Đài Loan còn không biết Việt Nam làm được trà ô long. Không ai biết cả!
Và mình mãi mãi bán sản phẩm dưới thương hiệu của một quốc gia khác hoặc công ty nào đó không phải của Việt Nam. Tôi không muốn điều đó cứ tiếp diễn mãi!
Vì cả thế giới đã phẳng rồi, những công nghệ và công cụ đã sẵn sàng để người Việt Nam có thể tiếp cận trực tiếp với những nơi tiêu thụ. Tôi tin các điều kiện này có khả năng giúp Việt Nam xây dựng được những thương hiệu Việt tiếp cận thị trường khó tính mà không cần qua trung gian nữa.
Đây được xem là mục tiêu cao nhất – sứ mệnh của FoodMap: Làm sao thay đổi thực trạng này ở một góc độ nào đó? Làm sao truyền tải được thông điệp này đến các bạn trẻ khởi nghiệp hoặc các doanh nghiệp trong ngành nông? Làm sao để làm được nhiều thương hiệu Việt Nam hơn có thể đi ra nước ngoài?
Trong vài năm tới, song hành với mục tiêu đưa nông sản – đặc sản Việt lên ngôi ở thị trường nội địa, FoodMap cũng sẽ tập trung vào hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp Việt xuất khẩu ra khắp thế giới.
Chúng ta đã nói rất nhiều về việc cải thiện đời sống của người nông dân Việt, vậy đâu là trường hợp điển hình nhất của một người nông dân trước và sau khi hợp tác với FoodMap?
Đồng hành với FoodMap trong giai đoạn đầu tiên là thủ phủ đường thốt nốt ở An Giang. Khi chúng ta vào siêu thị hoặc đi dọc đường sẽ thấy đường thốt nốt đóng từng cục bày bán, đó không phải là đường thốt nốt truyền thống của bà con, mà nó có pha thêm đường cát để khi đóng cục không chảy nước.
Hồi đó, lúc đi đến An Giang, tôi mới phát hiện ra rằng: đường truyền thống của bà con là lấy mật từ hoa thốt nốt và cô đặc lại, nó hơi dẻo vàsệt một chút xíu nếu nguyên chất 100%. Loại đường truyền thống này rất tốt cho sức khỏe, vì có rất nhiều khoáng và phải bảo quản kín. Do đó, chúng tôi đã đẩy đường thốt nốt để bán trên sàn của mình, vì nó vừa ngon vừa lành.
FoodMap đã liên hệ để thí điểm với một hộ làm thốt nốt ở An Giang, chủ hộ là chú Tuấn. Sau khi làm được 2 năm với FoodMap, chú xây được nhà. Chúng tôi đã rất xúc động, khi chú gửi tấm thiệp ăn mừng tân gia đến cho đội ngũ FoodMap. Tôi nhớ là không phải chỉ tôi, mà cả nhóm đều vậy. Tôi bận không đi được, nhưng các bạn khác trong nhóm đã xuống, khi lần đầu thấy ngôi nhà, tất cả cảm thấy hoảng luôn, vì rất to.
Rồi chú Tuấn trở thành gương nông dân tiêu biểu khi được địa phương mời đi chia sẻ công việc làm ăn với những người nông dân khác trong vùng.
Có thể về quy mô hay sản lượng bán không nhiều, nhưng FoodMap cũng góp phần thay đổi đời sống cụ thể của một người nông dân và làm sống lại một ngành nghề truyền thống tưởng đã mất. Ngược lại, những người sử dụng loại đường thốt nốt này đều rất thích.