Tăng nhanh, giảm sốc - thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến nhà đầu tư “không biết xoay sở giao dịch thế nào”. Các chuyên gia liên tục đưa ra nhiều dự báo cũng “bấp bênh” không kém. Tâm lý nhà đầu tư đang có nhiều hoang mang và lưỡng lự với quyết định của mình.
Đi tìm nguyên nhân, giới phân tích đánh giá, tình trạng “giật cục” theo hướng giảm của thị trường là do áp lực chốt lời có xu hướng tăng dần trong khoảng 4 tháng từ khi thị trường tạo đáy. Có thể thấy các nhóm ngành dẫn dắt nhịp hồi một tháng trở lại bao gồm: xây dựng, hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí,.. đã ghi nhận mức tăng đáng kể từ 15-20%, thậm chí gấp đôi kể từ đáy. Điều này khiến áp lực chốt lời tăng dần và việc xuất hiện các phiên giảm điểm lớn chỉ là vấn đề thời gian.
Chia sẻ về chiến lược đầu tư tại Talkshow Bí mật đồng tiền, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập Finpeace nêu rõ các chứng sĩ cần nắm bắt được chiến lược giao dịch của bản thân theo phong cách tấn công hay phòng thủ. Đối với Founder Finpeace, ông cho biết: “Tôi ưa thích đầu tư vào những giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh mẽ đi kèm theo đó là việc ưu tiên lựa chọn dòng cổ phiếu mạnh nhất. Và bản thân tôi sẽ không chọn "dòng nước ngược" khi thị trường ở giai đoạn khó khăn”.
Mặt khác, ông Tuấn Anh nhận định rằng năm 2023 là một năm rất quan trọng, tràn đầy cơ hội với thị trường chứng khoán. Từ giờ cho tới giữa năm, những cảm xúc khó chịu, không thoải mái trên thị trường sẽ diễn ra nốt với các nhà đầu tư. Ông ví von thị trường chứng khoán giống như người bệnh vực dậy sau trận ốm sẽ cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái hơn. Trong năm 2023, Founder Finpeace bày tỏ quan điểm khá tích cực, đồng thời, ông Tuấn Anh hiện rất đón chờ cơ hội đầu tư tốt từ giữa năm khi uptrend được dự báo diễn ra vào cuối năm nay.
Nhóm cổ phiếu đầu tư công là một dòng phòng thủ điển hình. Câu chuyện vĩ mô liên quan đến đầu tư công có ảnh hưởng trực tiếp tới một số doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà sáng lập Finpeace, đây là câu chuyện của một lượng tiền rất nhỏ tham gia vào nhóm ngành này, song đã phản ánh vào những pha tăng thời gian qua. Hơn nữa, nhóm đầu tư công không gây nhiều phản ứng tới các dòng lớn như tài chính ngân hàng.
Theo số liệu vĩ mô công bố mới đây, CPI tháng 2 tăng 0,45% so với tháng 1, và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước. Bàn luận về vấn đề này, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI cho rằng nhà đầu tư cần quan tâm hơn tới lạm phát lõi. Lạm phát lõi 2 tháng qua ở mức trên 5%, cao hơn nhiều so với trung bình. Kinh tế trưởng SSI đánh giá con số này từ mức cao mà sẽ không dễ dàng giảm xuống. Ông Hưng nhận định rằng áp lực tăng giá điện, lương, dịch vụ y tế chưa xảy ra với nước ta và việc lạm phát lõi giảm từ 5,2% xuống 5% cũng chưa thể khẳng định rằng lạm phát đã hạ nhiệt.
"Việc hạ nhiệt nhẹ một chút trong tháng 2 chủ yếu bởi tết năm ngoái vào tháng 2 và điều này thể hiện tính mùa vụ. Sang tháng 3, tôi không dám chắc lạm phát có thể tiếp tục quay đầu giảm, nhất là lạm phát lõi", ông Hưng cho hay.