Phong cách sống

Nhà báo Mỹ "đổ gục" trước hương vị gây thương nhớ của bún Việt, có món nghe rất lạ tai

"Loài người xuất hiện trên trái đất vì nhiều mục đích khác nhau. Tôi xuất hiện trên trái đất để làm điều này. Ăn mì bún ngay tại đây [ Việt Nam ]", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đã dẫn lời đầu bếp quá cố nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain để làm minh họa mở đầu cho bài viết tán dương hương vị đặc sắc của các loại mì, bún ở Việt Nam.

Theo tờ này, đầu bếp Mỹ đã biến việc ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp ăn mì bún bên vỉa hè trở thành một nghi thức cho bất kỳ du khách nào đến Việt Nam.

Khi ở Hà Nội vào năm 2016, ông đã cùng Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama thưởng thức bún chả.

Với SCMP, bún chả đúng là rất nổi tiếng, nhưng cũng chỉ là một trong hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn món bún khác nhau trải dài khắp đất nước có dân số khoảng 100 triệu người này.

 Nhà báo Mỹ đổ gục trước hương vị gây thương nhớ của bún Việt, có món nghe rất lạ tai - Ảnh 1.

Anthony Bourdain đưa cựu Tổng thống Barack Obama thưởng thức một tô bún chả ở Hà Nội vào năm 2016. Ảnh: SCMP


Bún cá tuyệt hảo

Trong chuyến hành trình xuyên Việt, phóng viên Mỹ Chris Dwyer của tờ SCMP bắt đầu từ Hà Nội với bún cá. Bún cá có nước dùng đậm đà nhờ xương ống ninh nhừ, cùng nhiều nguyên liệu khác như cà chua, giấm, thì là. "Chúng truyền tải hương vị thảo mộc nhẹ nhàng, tươi mát và độ chua, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa ngọt và chua", CSMP mô tả.

Mặc dù bún cả có mặt ở khắp nơi ở Hà Nội nhưng đầu bếp người Mỹ gốc Việt Peter Cuong Franklin , bếp trưởng của một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, lại thích món ăn này ở những nhà hàng dọc bờ biển miền Trung Nam Bộ.

"Tôi nghĩ phiên bản tốt nhất của món ăn này đến từ Nha Trang, nơi nó chứa đầy đặc ân của biển cả: nhiều loại chả cá, cá viên chiên và cá viên, những miếng cá ngừ tươi hay sứa dai tuyệt hảo".

Hay anh Marcus Meek, bếp trưởng tại khách sạn năm sao ở Hà Nội, lại giới thiệu hai món ăn truyền thống khác.

 Nhà báo Mỹ đổ gục trước hương vị gây thương nhớ của bún Việt, có món nghe rất lạ tai - Ảnh 2.

Nguyên liệu thường được sử dụng trong các món bún phở của Việt Nam được bày bán tại một chợ đường phố ở Hà Nội. Ảnh: SCMP


"Bún ngan có nước dùng thơm và thanh nhẹ, rất vừa miệng. Rồi bún ốc, cũng là món ăn truyền thống nổi tiếng của địa phương", anh nói. "Nước dùng [của bún ốc] có một vị hấp dẫn, với hương vị đậm đà đến từ các loại thảo mộc, những con ốc luộc và một dư vị rất thú vị của hoa hồi".

Cao lầu đỉnh cao

Một điểm đến đáng để ghé thăm là Hội An, khu phố thương mại yêu kiều này đã trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất miền Trung Việt Nam nhờ không khí cổ với những con đường rợp đèn lồng, những dòng sông, những cây cầu và đền chùa cổ kính.

"Món mì cao lầu tuyệt vời của Hội An gói gọn tất cả các hương vị khi nói đến ẩm thực Việt Nam; chúng ngọt, chua, mặn, cay và đắng", tờ SCMP ca ngợi.

 Nhà báo Mỹ đổ gục trước hương vị gây thương nhớ của bún Việt, có món nghe rất lạ tai - Ảnh 3.

Cao lầu Hội An. Ảnh: SCMP


Những sợi mì cao lầu được làm từ gạo và chúng chỉ có thể thực sự được gọi là cao lầu nếu được làm từ giếng Ba Lễ ở địa phương. Sau đó, mì được trộn với nghệ và ngâm với tro củi của cây tràm tạo nên màu vàng nhạt và kết cấu dai.

Điều giúp cao lầu trở thành một món ăn tuyệt vời như vậy là sự kết hợp của tất cả các thành phần: nước dùng từ xương heo ninh nhừ, hương hoa hồi và quế, thịt heo ngũ vị đã được ướp trong nước tương và nước mắm, kết hợp với rau húng quế, bạc hà, rau mùi và giá đỗ tươi giòn.

Sẽ vẫn chưa hoàn thiện nếu không có những chiếc bánh đa vàng ươm, ngon nhất vẫn được làm thủ công ở Hội An, được phơi dưới nắng trên những tấm phên tre.

"Cao lầu đặc biệt vì nó có ảnh hưởng từ ba quốc gia lớn, phản ánh lịch sử phong phú của Hội An với vị trí từng là một thương cảng", anh Cường Franklin giải thích.

"Món Trung Quốc với đậu nành và thịt lợn ngũ vị, món Nhật với sợi mì có kết cấu và hương vị tương tự như mì udon, và món Pháp với 'vụn bánh mì' chiên giòn mang đến cho món ăn thêm tầng kết cấu".

Bún quậy lạ tai

Cuối cùng, đảo Phú Quốc ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam của Việt Nam là nơi có bún quậy.

Bún quậy mang đến cho thực khách một trải nghiệm tự phục vụ vì mỗi thực khách đều tự quậy nước chấm riêng cho mình. Điều này giúp nó trở thành một lựa chọn phổ biến cho các gia đình.

Tại quán, thực khách có thể tự pha hỗn hợp ớt, nước mắm, quất, muối, đường, mì chính..., tự cân bằng giữa vị ngọt, mặn, umami và chua theo khẩu vị riêng.

Sợi bún quậy được đầu bếp chế biến từ bột gạo, cắt trực tiếp vào nước sôi, sau đó chia bún vào các bát, đổ nước dùng, nêm một chút mắm tôm và các loại đồ ăn kèm như bánh tôm, mực non hoặc thịt bò.

 Nhà báo Mỹ đổ gục trước hương vị gây thương nhớ của bún Việt, có món nghe rất lạ tai - Ảnh 4.

Bún quậy Phú Quốc. Ảnh: SCMP


Một người hâm mộ lớn của bún quậy là Bruno Anon, người Tây Ban Nha, bếp trưởng một khách sạn ở Phú Quốc.

"Sợi bún trắng, mềm, dai, hòa quyện với tôm, chả cá và nước dùng đơn giản, trong, hơi ngọt. Bún và hải sản rất tươi nên tất cả những gì họ cần để nấu là một chút nước dùng nóng hổi đổ vào bát", anh nói.

"Tuy nhiên, thực sự nước chấm đã làm cho món bún này trở nên nổi bật và đánh bật mọi vị giác. [Đó là] ngọt, chua, mặn, cay, và vị umami".

Với Anon, bún không chỉ là một món ăn, mà còn là truyền thống và nghi thức. "Đó là cả một quá trình trải nghiệm," anh giải thích. "Chia sẻ một tô bún với người khác [giống như] chia sẻ những câu chuyện, đó là một cách sống".


Cùng chuyên mục

Đọc thêm