Tăng trưởng lợi nhuận chạm đáy vào năm 2023
Trong báo cáo phân tích mới đây, nhiều công ty chứng khoán dự báoNgân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) sẽkhông còn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận như trước trong năm 2023.
CTCP Chứng khoán Vietcap cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của VPBank sẽ chạm mức đáy trong năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt mức 13.041 tỷ đồng trong năm nay, giảm gần 40% so với năm trước, sau đó sẽ phục hồi lên 17.963 tỷ đồng vào năm 2024 và lên 24.188 tỷ đồng vào năm 2025.
Thu nhập của ngân hàng được dự báo giảm chủ yếu do các nguồn thu ngoài lãi giảm trong khi thu nhập lãi thuần không tăng trưởng (hoặc tăng rất ít) trong khi chi phí dự phòng ước tăng hơn 5.500 tỷ đồng so với năm trước.
Chuyên gia phân tích của Vietcap cho rằng VPBank sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức trong 12 tháng tới khi các khoản vay dành cho các nhà phát triển BĐS và các khoản mua nhà thế chấp cũng như các khoản cho vay tiêu dùng của FE Credit lần lượt chiếm 17%, 18% và 15% tổng dư nợ cho vay tính đến quý II/2023.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các ưu thế như hệ sinh thái đa dạng, nguồn vốn mạnh, sự phục hồi của FE Credit và sự hỗ trợ tích cực từ SMBC tại cả ngân hàng mẹ và FE Credit sẽ mang lại cho VPBank vị thế vững chắc để tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Trong nửa đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của VPBank suy giảm mạnh chủ yếu bị tác động bởi NIM suy giảm khi các mảng cho vay đem lại lợi suất cao như cho vay tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng rất thấp trong nửa đầu năm 2023.
Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ hoạt động mua nợ và xử lý nợ tăng cao, tuy vậy vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ do nửa đầu năm 2022, ngân hàng ghi nhận khoản thu bất thường (khoảng 5.700 tỷ đồng) từ việc tái ký hợp đồng banca với AIA.
Nguồn tiền từ SMBC giúp VPBank giảm bớt áp lực về chi phí vốn trong nửa cuối năm 2023
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nửa đầu năm 2023 của VPBank giảm đáng kể do chi phí huy động tăng mạnh, FE Credit đang trong quá trình tái cơ cấu và tỷ lệ hình thành nợ xấu cao.
Cụ thể, NIM hợp nhất quý II đạt 5,5%, giảm 230 điểm cơ bản so với mức 7,8% của cùng kỳ năm trước và giảm 200 điểm cơ bản so với mức 7,5% của cả năm 2022. Điểm đáng lưu ý, đây là quý thứ 4 liên tiếp VPB ghi nhận mức NIM suy giảm so với cùng kỳ.
Theo quan sát của Chứng khoán MB (MBS), lãi suất cho vay của VPBank trong nửa đầu năm 2023 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy NIM suy giảm chủ yếu do sự gia tăng mạnh của chi phí vốn (COF).
Các chuyên gia MBS cho rằng lãi suất huy động hạ nhiệt sẽ có tác động đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng sớm hơn sự điều chỉnh của lãi suất cho vay. "Chúng tôi kỳ vọng mức NIM của VPBank trong nửa cuối năm 2023 sẽ có sự cải thiện đáng kể so với đầu năm. NIM cả năm 2023 của VPBank được dự báo đạt 6,9%", MBS dự báo.
Trong khi đó Chứng khoán Vietcap dự báo NIM hợp nhất sẽ dần cải thiện lên 7,07% vào năm 2027 (so với NIM nửa đầu năm 2023 là 5,51%) và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất sẽ đạt đỉnh 5,93% vào năm 2024 trước khi giảm dần vào năm tiếp theo.
"Đáng chú ý, số tiền thu được còn lại từ đợt phát hành riêng lẻ của VPBank sẽ giúp giảm bớt áp lực về chi phí vốn trong nửa cuối năm 2023 và sự hỗ trợ từ SMBC sẽ giúp ngân hàng phát triển cơ sở khách hàng FDI", báo cáo viết.
Nợ xấu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023?
Tính đến quý II, VPBank có tỷ lệ nợ xấu hợp nhất và tỷ lệ nợ nhóm 2 cao nhất trong danh mục theo dõi của Vietcap và chủ yếu do các khoản cho vay thế chấp, cho vay các nhà phát triển BĐS và các khoản vay không có tài sản bảo đảm (bao gồm cả FE Credit).
Tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng lên mức 7,4% tại cuối quý II, so với mức 5,7% cuối năm 2022 và 6,2% cuối quý I/2023. Cùng với đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về mức 37.7% tại cuối quý II/2023. Trong 6 tháng đầu năm, VPBank sử dụng 12.846 tỷ đồng (khoảng 2,7% tổng dư nợ) để xử lý nợ xấu khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm.
Tỷ lệ trích lập dự phòng/tổng dư nợ của VPBank đạt 5,2% tại cuối quý II/2023, đi ngang so với quý I/2023. Điều này cho thấy rằng mặc dù nợ xấu gia tăng mạnh nhưng dư địa trích lập dự phòng của VPBank không còn nhiều.
MBS cho rằng tỷ lệ nợ xấu cũng như nợ nhóm 2 của VPBank sẽ khó quay về mức của năm 2022 và dự báo sẽ đạt lần lượt là 6,8% và 9% tại cuối năm 2023 và sẽ giảm về mức 6% và 8% tại cuối năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Vietcap kỳ vọng các chính sách hỗ trợ gần đây của Chính phủ và lãi suất giảm sẽ giúp giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu và hỗ trợ tăng giải ngân tín dụng trong nửa cuối năm 2023.