Tiền điện sẽ tăng cao, dùng điện cũng dự báo cao chưa từng có
Từ đầu tháng 3, nhiệt độ tại TP.HCM đã tăng cao, bình quân vào khoảng 36,8 độ C. Thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho thấy tỉ lệ khách hàng sử dụng từ bậc thang giá điện bậc 6 tăng cao hơn 30%, trong khi đó những tháng trước chỉ có khoảng 20% trong tổng số hơn 2,6 triệu khách hàng ở TP.
Khi sử dụng điện ở bậc 5 và bậc 6 tăng tỉ lệ cao, lượng sử dụng điện tăng sẽ dẫn đến hóa đơn tiền điện cao hơn. Ví dụ, nếu trung bình tiền điện sử dụng những tháng trước khoảng 1,7 - 1,8 triệu đồng thì hóa đơn tiền điện các tháng tiếp theo sẽ tăng khoảng 30%.
Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4, 5, 6 năm nay tiếp tục tăng cao đạt từ 84 - 88 triệu kWh/ngày. Đỉnh điểm trong tháng 4 và 5, dự báo sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày, đây là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP.HCM.
Bốn cách để giảm tiền điện khi dùng máy lạnh
Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng (từ tháng 3 đến 7), việc dùng điện của khách hàng sẽ tăng cao, tần suất dùng điện các thiết bị điện trong nhà, đặc biệt là các thiết bị làm mát.
Để tư vấn bạn đọc có cách dùng điện tiết kiệm và hợp lý, Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với EVNHCMC để "mách nước" bạn đọc những cách dùng điều hòa tối ưu.
Thứ nhất, người dân nên chọn máy lạnh có công suất phù hợp với nhu cầu dùng của gia đình theo diện tích, số người, đặc điểm phòng. Ví dụ, phòng ngủ của gia đình có diện tích 10 - 15m² thì nên dùng máy lạnh 1 HP, diện tích 30 - 37m² xài máy lạnh 2 ngựa.
Thứ hai, các gia đình nên xài máy lạnh có công nghệ tiết kiệm điện, dán nhãn tiết kiệm điện 5 sao, gắn máy lạnh đúng kỹ thuật. Trường hợp không dùng máy lạnh nên tắt hẳn nguồn điện. Khi ra khỏi phòng chỉ khoảng 30 phút, không nên tắt máy bởi khi khởi động lại máy sẽ tiêu hao năng lượng điện nhiều hơn.
Thứ ba, trường hợp dùng máy lạnh thường xuyên, các gia đình cần vệ sinh định kỳ ba tháng/lần. Việc vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy.
Thứ tư, nhiệt độ máy lạnh luôn để ở mức 26 độ C trở lên, nếu cài nền nhiệt quá thấp sẽ gây tiêu hao điện quá lớn. Mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2-3% công suất tiêu thụ điện. Điều này kéo theo tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Thực nghiệm của Trường đại học Tôn Đức Thắng về tiêu thụ điện của máy lạnh trong các điều kiện môi trường khác nhau đã cho kết quả: với cùng một nhiệt độ môi trường bên ngoài, nếu cài đặt nhiệt độ máy lạnh tăng lên 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh có thể giảm hơn 1kWh/8 tiếng sử dụng.
Bất ngờ với con số tiết kiệm điện chỉ với 1 độ C
TP.HCM có trên 1 triệu khách hàng dùng điện ở mức trên 300 kWh/tháng. Đây là những hộ có dùng máy lạnh. Như vậy, có thể ước lượng tổng số máy lạnh trên địa bàn TP.HCM là khoảng 1,5 - 2 triệu máy (quy đổi máy 1 HP).
Nếu mỗi máy đều được cài đặt nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với thói quen thường ngày thì lượng điện tiết kiệm được sẽ tương ứng khoảng 1,5 triệu kWh/ngày.
Lượng điện tiết kiệm này tương đương và cao hơn với lượng điện tiêu thụ một ngày của một số tỉnh miền núi phía Bắc. Do đó, việc thay đổi thói quen sử dụng máy lạnh có ý nghĩa rất lớn đối với việc tiết kiệm điện của mỗi gia đình và quốc gia.