Kỹ năng sống

Người Trung Quốc vung tiền để "tậu" giấc ngủ: Chi hàng chục triệu đồng mua thiết bị hiện đại nhưng vẫn không ngủ ngon vì lý do này

Gần như tháng nào cũng có cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề mất ngủ, hàng nghìn cư dân mạng chia sẻ kinh nghiệm về chứng mất ngủ của họ. Khi thức khuya trở thành thông lệ, thói quen thức khuya của mỗi người sẽ khác nhau như thế nào?

Người Trung Quốc vung hàng đống tiền để có giấc ngủ ngon

Ding Yi từng quen với việc ngủ thiếp đi trong 5 phút. Giờ đây, cô không hề có chút buồn ngủ, từ đêm đến rạng sáng. Trở về Bắc Kinh (Trung Quốc) từ Munich (Đức), Ding Yi cảm thấy cơ thể như bị thế lực nào đó điều khiển.

Ban đầu, Ding Yi chỉ nghĩ rằng gốc rễ của cơn mất ngủ là sự đảo lộn vì chênh lệch múi giờ. Sau đó, nỗi sợ hãi không thể giải thích được càng làm chứng mất ngủ của cô thêm trầm trọng. Trong đêm tối, cô liên tục quẹt chiếc điện thoại với hy vọng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Rồi Ding Yi tìm thấy bài báo với nội dung: "Ánh sáng phát ra từ màn hình thiết bị điện tử sẽ cản trở quá trình bài tiết melatonin và nhịp sinh học, làm trì hoãn thời gian chìm vào giấc ngủ và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thiết bị điện tử thế hệ mới thường sử dụng ánh sáng xanh, phát ra bước sóng ngắn nhạy cảm với melatonin, ức chế đáng kể sự tiết melatonin và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ".

Ding Yi thất vọng một hồi, ném điện thoại xuống gầm giường. Cô nhìn lên trần nhà và tưởng tượng rằng, nếu đèn chùm rung chuyển, cô sẽ bị thôi miên như trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh. Song giấc ngủ vẫn không đến với Ding Yi.

Người Trung Quốc vung tiền để tậu giấc ngủ: Chi hàng chục triệu đồng mua thiết bị hiện đại nhưng vẫn không ngủ ngon vì lý do này - Ảnh 1.

Năm 2019, sinh viên đại học ở Trùng Khánh tham gia vào hoạt động có chủ đề về giấc ngủ. Ảnh: The Paper.

Ding Yi tiếp tục cầm điện thoại và tìm kiếm những người cùng cảnh ngộ để cảm thấy đêm dài không đến nỗi cô đơn. Trên mạng xã hội Douban, có nhiều nhóm thanh niên giống Ding Yi hoạt động về đêm vì chứng mất ngủ. Họ bị rối loạn giấc ngủ ở nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn khó ngủ, mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, dễ tỉnh giấc.

Các thành viên chăm chỉ học kiến thức lý thuyết để có giấc ngủ ngon. Họ dùng các dụng cụ hỗ trợ ngủ, rẻ thì khoảng vài trăm nghìn đồng, đắt thì có thể lên đến hàng triệu hay chục triệu đồng. Không có thành viên mất ngủ nào không dám thử.

Một thành viên chia sẻ cô từng dùng 2 viên thuốc ngủ. Người này sau đó cảm thấy choáng váng và có thể ngủ thiếp đi. Nhưng khi đứng dậy để đến phòng vệ sinh, cô không thể bước đi thẳng mà phải sát vào bức tường.

Nguyên nhân gây nên chứng mất ngủ

Năm 2021, dữ liệu từ Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc cho thấy 300 triệu người Trung Quốc bị rối loạn giấc ngủ. Cùng năm đó, dữ liệu khảo sát của iiMedia Research Consulting cho thấy chỉ có 15,56% người Trung Quốc có thể nằm ngửa khi ngủ.

Báo cáo Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc (2022) chỉ ra rằng 57,41% số người được hỏi cho biết họ bị mất ngủ từ 1-7 ngày trong tháng, 2,96% số người được hỏi bị mất ngủ kinh niên.

Một số nhà tâm lý học nhận thấy trong quá trình chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mất ngủ, hơn một nửa số đó bị mất ngủ có nguyên nhân tâm lý. Hầu hết người chia sẻ trải nghiệm mất ngủ trên Douban đều được chữa lành theo thời gian bằng cách riêng, được các bác sĩ tâm lý chữa lành và chữa bệnh.

Người Trung Quốc vung tiền để tậu giấc ngủ: Chi hàng chục triệu đồng mua thiết bị hiện đại nhưng vẫn không ngủ ngon vì lý do này - Ảnh 2.

Mọi người ngủ trưa trên bãi cỏ gần Quảng trường Nhân dân. Ảnh: The Paper.

Nhóm "Liên minh hỗ trợ, tương trợ về rối loạn giấc ngủ" đề cập rằng có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng không ngủ được, chủ yếu chia thành yếu tố sinh lý, tâm lý và môi trường. Chẳng hạn, thành tích bất thường trong kỳ thi tuyển sinh trung học, trượt đại học, chia tay người yêu, lo lắng về tuổi tác, thất nghiệp... Những mối lo âu đó khiến họ không ngủ được, thậm chí có người không muốn ngủ.

Trong nhiều bài viết về trợ giúp mất ngủ, một số người thuộc trường hợp mất ngủ cấp tính. Họ thường có triệu chứng mất ngủ do căng thẳng và lo lắng. Ở nhóm khác, các thành viên cho biết họ thuộc những người khó ngủ và dễ bị đánh thức.

Sau khi trải qua thời gian ngắn mất ngủ, Ding Yi rút ra kinh nghiệm rằng bản thân càng lo lắng về chứng mất ngủ, cô càng có khả năng rơi vào vùng lầy của nó. Vì vậy, việc trút bỏ gánh nặng và duy trì cuộc sống điều độ, tập thể dục, ăn uống hợp lý, tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ là điều cần thiết.

Mất ngủ ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ?

Chuyên gia về giấc ngủ Matthew Walker cho biết thời lượng ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ, thậm chí thiếu ngủ có thể trực tiếp dẫn đến tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 90% trường hợp đột tử, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi liên quan đến thức khuya.

Ngoài những thiệt hại về thể chất, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy giấc ngủ và tâm trạng có mối quan hệ chặt chẽ.

Năm 2019, các nhà khoa học tại Đại học California đã chỉ ra mất ngủ có thể làm tăng mức độ lo lắng đến 30% vào ngày hôm sau. Giấc ngủ đủ và chất lượng cao có thể giữ cho con người bình tĩnh, giảm mức độ căng thẳng.

Cách thành viên của các hội nhóm chữa mất ngủ

Trong nhóm thảo luận về các vấn đề về giấc ngủ, chưa bao giờ có câu trả lời chuẩn cho các phương pháp tự cứu của người mất ngủ. Chỉ bằng cách không ngừng cố gắng, họ mới có thể tìm ra phương pháp chữa bệnh phù hợp.

Người bệnh mất ngủ nên xây dựng lại thói quen làm việc và nghỉ ngơi lành mạnh, tìm cách giảm chứng mất ngủ mà không dùng thuốc, luôn nhắc nhở bản thân từ bỏ dần sự lệ thuộc vào thuốc. Việc chữa bệnh mất ngủ như xây dựng lại hệ thống tự nhận thức.

Có nhiều cách để cải thiện giấc ngủ, chẳng hạn như thay đổi môi trường phòng ngủ, thay ga giường, học cách thở, thực hành thiền chánh niệm hoặc yoga, chọn một bản nhạc hoặc âm thanh thoải mái...

Người Trung Quốc vung tiền để tậu giấc ngủ: Chi hàng chục triệu đồng mua thiết bị hiện đại nhưng vẫn không ngủ ngon vì lý do này - Ảnh 3.

Gối thông minh giúp thúc đẩy giấc ngủ được phát triển bởi một tổ chức ở Hà Lan. Ảnh: The Paper.

Mỗi tối, Maggie mở ứng dụng có chức năng thiền trong phòng ngủ, đeo tai nghe, ngồi trên giường và bắt đầu thiền. Cô chú ý đến hơi thở, thoát khỏi những bộn bề của công việc và gia đình, tìm thấy trạng thái thoải mái của riêng mình trong thiền định.

Để có được giấc ngủ ngon, Maggie đã mua chiếc chăn trọng lực với giá hàng nghìn nhân dân tệ (tương đương hàng chục triệu đồng). Cô cũng mua mặt nạ xông hơi cho mắt, thiết bị hỗ trợ ngủ bằng dòng điện cũng như thử nhiều loại thuốc hỗ trợ ngủ trong và ngoài nước.

Maggie cho biết thiền hiệu quả nhất và cô thỉnh thoảng bỏ tiền ra để mua lớp học trong ứng dụng. Cô không thể tính cụ thể đã chi bao nhiêu để "mua" giấc ngủ ngon. Song con số này không nhỏ.

Ngoài ra, một số thành viên của các hội nhóm đã chữa chứng mất ngủ bằng phương pháp âm thanh. Họ sử dụng âm thanh được tạo nên từ 7 kim loại vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc, chì và kẽm có thể phát ra âm bội.

Chúng giúp cơ thể thư giãn và tác động nhất định đến chứng mất ngủ. Giá của một lớp trị liệu bằng âm thanh dao động 1,5-3 triệu đồng. Có ý kiến cho rằng nghe âm thanh của ô tô khiến cơ thể thanh thản và nhẹ nhõm hơn.

Phương pháp massage bằng tinh dầu được nhiều thành viên khen ngợi trên mạng xã hội. Một số người đã tải xuống bản đồ các huyệt đạo của con người và bắt đầu xoa bóp.

Người Trung Quốc vung tiền để tậu giấc ngủ: Chi hàng chục triệu đồng mua thiết bị hiện đại nhưng vẫn không ngủ ngon vì lý do này - Ảnh 4.

Nhà soạn nhạc người Anh Max Richter đã trình diễn tác phẩm âm nhạc hiện đại "Sleep" kéo dài 8 giờ và địa điểm tổ chức đã cung cấp giường cho 150 khán giả. Ảnh: The Paper.

Thị trường thương mại rộng lớn

Chứng mất ngủ đã mở ra thị trường thương mại rộng lớn. Số liệu khảo sát của iiMedia Research vào năm 2021 cho thấy khi đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ, 40,36% người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chọn mua các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ. Mức độ yêu thích các sản phẩm đó tương đối cao. 

Trong khi đó, 57,70% người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ có tác dụng thực tế yếu và khó giải quyết các vấn đề về giấc ngủ với những nguyên nhân phức tạp.

Áp lực mất ngủ đã tạo ra nền kinh tế bùng nổ. Trong 4 năm (2016-2020), quy mô thị trường tổng thể của nền kinh tế ngủ của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 939 nghìn tỷ đồng lên hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tức tăng 44,42%. Thị trường này được dự kiến tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng.

Người Trung Quốc vung tiền để tậu giấc ngủ: Chi hàng chục triệu đồng mua thiết bị hiện đại nhưng vẫn không ngủ ngon vì lý do này - Ảnh 5.

Bác sĩ thực hành phương pháp giấc ngủ trong "Ngủ lúc 11 giờ", chương trình tạp kỹ cho thấy tình trạng thức khuya không đều của giới trẻ. Ảnh: Sohu.

Theo The Paper, Sohu

Cùng chuyên mục

Đọc thêm