Bất động sản

Người thu nhập thấp "khát" nhà ở

Chen chúc ở trọ

Từ tỉnh Nghệ An vào Đồng Nai làm việc đã gần 10 năm, lập gia đình và có 1 con nhỏ, nhưng gia đình anh Nguyễn Đức Phát vẫn đang phải ở nhà thuê. Vợ anh cùng quê, cùng vào làm công nhân; tổng thu nhập, kể cả tăng ca của cả hai vợ chồng, khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền thuê nhà trọ, tiền gửi trẻ, tiền ăn hàng tháng, hiếu hỉ, mua sắm…, mỗi tháng vợ chồng anh tằn tiện lắm cũng chỉ dành dụm được khoảng vài ba triệu đồng, cuối năm về quê một chuyến thì coi như hết. Vì vậy, việc mua nhà cửa, với vợ chồng anh là điều không tưởng. “Để mua được một lô đất tiền tỷ như hiện nay, quả là rất khó với người lao động như chúng tôi”, anh Phát nói.

 Người thu nhập thấp khát nhà ở  - Ảnh 1.

Một khu nhà ở công nhân ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Sống chen chúc trong phòng trọ ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, cả gia đình anh Thạch Danh (quê ở Sóc Trăng) cảm nhận hết sự khó khăn trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Anh Danh nói: “Bốn tháng dịch, bị phong tỏa, cả gia đình tôi phải ở trong phòng ngột ngạt, bức bí. Nếu có căn nhà thì điều kiện sống sẽ tốt hơn, nhưng để mua được nhà ở đây thì quá tầm người lao động như chúng tôi”.

Chị Hoàng Thi Yến, công nhân công ty Hyosung (huyện Nhơn Trạch), cho biết, gần nơi chị ở đang có nhiều dự án NƠCN có giá bán trên 700 triệu đồng/căn rộng chừng 50m2. “Nếu giá 300 - 400 triệu đồng cho một căn hộ nhỏ thì phù hợp với thu nhập của công nhân”, chị Yến nói.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, tỉnh mới có 3 dự án NƠCN với quy mô 2.893 căn được hoàn thành. Qua khảo sát, gần như 100% công nhân ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở. Nhu cầu NƠXH cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp vùng đô thị, cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân cũng còn nhiều.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhìn nhận, những năm qua, NƠXH phát triển chậm nên công nhân và người có thu nhập thấp đa số phải thuê phòng trọ của các hộ dân để ở. Vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phải giãn cách xã hội khiến nhiều công nhân, người lao động có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. “Đây là hậu quả của việc chậm triển khai các dự án NƠXH nên thiếu nơi ở đàng hoàng cho người lao động”, ông Dũng nói. Ông yêu cầu các địa phương có khu công nghiệp phát triển phải quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án NƠXH, NƠCN.

Doanh nghiệp, người mua đều “khát” vốn

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ Đồng Nai, cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ xây dựng 2.500 căn NƠCN, NƠXH, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 10.000 người. Tuy nhiên, đây vẫn là con số còn thấp so với nhu cầu nhà ở của khoảng 400.000 lao động. “Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ có quy định cụ thể, giao trách nhiệm cho từng địa phương, đặc biệt là các địa phương có đông công nhân lao động phải xây dựng NƠXH cho người lao động”, bà Như Ý cho hay.

Các sở, ngành liên quan đều cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu NƠCN, NƠXH. Trước đây chưa có quy định doanh nghiệp được đầu tư khu công nghiệp và cũng chưa có hướng dẫn thực hiện, trong khi địa phương lập quy hoạch thì chưa chú trọng dẫn đến tình trạng thiếu NƠCN, NƠXH như hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành gần 3.500 căn NƠXH, trong đó có gần 1.600 căn dành cho công nhân.

 Người thu nhập thấp khát nhà ở  - Ảnh 2.

Một khu nhà trọ chật hẹp ở TP Biên Hòa, Đồng Nai.


Ông Lê Mạnh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, hiện toàn tỉnh có 13 dự án NƠXH với tổng diện tích 59,3ha, khả năng đáp ứng gần 8.200 căn hộ đang được triển khai. Ngoài ra, 9 dự án khác với diện tích 25,8 ha, bố trí khoảng 6.000 căn hộ đang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Theo ông Dũng, về lâu dài, khi lập quy hoạch, phải xác định rõ đất xây dựng NƠXH; doanh nghiệp khi đầu tư khu công nghiệp có trách nhiệm đầu tư khu nhà NƠCN gắn với khu công nghiệp đó. Đối với các khu công nghiệp đã thành lập, rà soát các khu đất chưa sử dụng để bố trí NƠXH cho công nhân.

Theo quy hoạch về NƠXH giai đoạn 2021-2030, tỉnh Đồng Nai dành 924 ha đất để đầu tư xây dựng NƠXH, trong đó có khoảng 310 ha thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân và 614 ha làm NƠXH cho những đối tượng còn lại. Một số nhà đầu tư phản ánh, thủ tục đầu tư NƠXH phức tạp. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là vốn đầu tư xây dựng và vốn hỗ trợ cho người mua nhà. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, những khu đất được giao xây NƠXH thường ở xa khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, trường học, bệnh viện, thiếu các dịch vụ tiện ích đi kèm, nên nhiều doanh nghiệp chưa dám đầu tư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm