Có rất nhiều quan điểm về những yếu tố làm nên thành công của một người như ý chí, trí thông minh phi thường, nghị lực hay khả năng phán đoán “đúng người đúng thời điểm. Thành công trong tương lai có thể được dự đoán chính xác ở một mức độ nào đó nhờ vào những nghiên cứu khóa học trong một thời gian dài. 8 yếu tố giúp một người đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ đã được các nhà nghiên cứu xác định trong những năm gần đây.
1. Khả năng trì hoãn sự hài lòng
Năm 1972, giáo sư Walter Mischel của ĐH Stanford đã công bố một nghiên cứu trong đó ông đưa cho trẻ một chiếc kẹo dẻo và nói rằng nếu ai không ăn nó khi ông rời khỏi phòng, chúng sẽ nhận được cái thứ 2 khi ông quay lại. Ban đầu, nghiên cứu này chỉ nhằm phân tích về sự hài lòng bị trì hoãn, nhưng lại thu được nhiều khám phá thú vị hơn trong những thập kỷ sau đó.
Giáo sư Walter Mischel. Ảnh: ASS
Nhà văn nổi tiếng James Clear đã tóm tắt kết quả như sau: Những đứa trẻ sẵn sàng chờ đợi viên kẹo dẻo thứ hai có điểm SAT và các thành tích học tập khác cao hơn, lối sống lành mạnh và tỷ lệ béo phì thấp hơn, có khả năng xử lý căng thẳng và kỹ năng xã hội tốt hơn (theo báo cáo của cha mẹ) so với những đứa trẻ ăn viên kẹo thứ nhất luôn. Việc kiểm soát sự bốc đồng đã mang lại cho những đứa trẻ này nhiều thứ, họ biết từ chối sự hài lòng trước mắt để theo đuổi những mục tiêu lâu dài và quan trọng hơn.
2. Tận tâm
Những người luôn làm mọi việc một cách tận tâm cũng là người sắp xếp cuộc sống có tổ chức và trách nhiệm. Họ luôn mong muốn kết quả tốt nhất trong công việc nên sẽ lên kế hoạch trước, nghiêm túc và kiểm soát cảm xúc tốt . Những đặc điểm này có tương quan “đáng kinh ngạc” với thành công. Nghiên cứu từ ĐH bang Florida (Mỹ) đã chỉ ra rằng sự tận tâm ảnh hưởng đến mọi thứ, từ mức lương của một người, sự hài lòng tại nơi làm việc, khả năng tìm và giữ công việc của họ cùng những yếu tố khác.
3. Có mạng lưới quan hệ rộng mở
Có mạng lưới mối quan hệ rộng mở là khi bạn kết giao với nhiều kiểu người khác nhau. Ngược lại, những người ở trong các mạng lưới khép kín gần như chỉ giao du với kiểu người giống họ và điều đó thực sự có thể gây ra những tác động tiêu cực lâu dài. Michael Simmons, cây viết của Forbes từng chia sẻ:
“Tháng 12/2013, tôi đã phỏng vấn Ron Burt, một trong những nhà khoa học về mạng xã hội hàng đầu thế giới. Anh ấy đã chia sẻ một biểu đồ làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của tôi về thành công. Điểm mấu chốt của thành công là gì? Theo nhiều nghiên cứu của ông, việc sở hữu mạng lưới quan hệ rộng mở là yếu tố dự đoán tốt nhất cho sự thành công trong sự nghiệp
Trong biểu đồ, bạn càng đi xa về phía bên phải của một mạng lưới quan hệ khép kín, bạn sẽ chỉ “quanh quẩn với những gì bạn đã biết. Bạn đi về phía mạng lưới mở, bạn càng tiếp xúc với nhiều ý tưởng mới. Những người bên trái thành công hơn đáng kể so với những người bên phải”.
4. Ham đọc sách
Cụm từ "độc giả trở thành nhà lãnh đạo" vốn quen thuộc bởi hững người thích đọc sách thường thông minh, có khả năng đồng cảm và sáng tạo hơn. Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học từ ĐH Georgetown (Mỹ), đọc sách giúp cải thiện khả năng kết nối và chức năng của não bộ.
Rất nhiều tỷ phú nổi tiếng như Munger, Buffett, Gates… là người ham đọc sách
Chưa kể thực tế việc đọc cho phép bạn liên tục tiếp thu thông tin mới, những kiến thức tinh hoa trong thời gian ngắn. Ví dụ bạn chỉ cần dành một tuần để đọc một cuốn sách chứa thông tin mà một chuyên gia đã mất cả đời để biên soạn. Duy trì việc đọc những cuốn sách chất lượng cũng là lúc bạn phát triển năng lực bên trong của chính mìnhvới tốc độ theo cấp số nhân.
5. Từng thành công trong quá khứ
Hành động trong quá khứ là yếu tố dự báo tốt nhất cho tương lai, điều này cũng đúng đối với thành công. Những người trải qua những chiến thắng nhỏ sẽ tạo dựng được sự tự tin và động lực để tiếp tục tiến lên.
Tiến sĩ Arnout van de Rijt, người đã thực hiện một nghiên cứu về vấn đề này tại Viện Khoa học Máy tính Cao cấp tại Stony Brook, cho biết về mặt lý thuyết, thật khó để biết liệu hiệu ứng “thành công có tiếp tục sinh ra thành công” có tồn tại hay không.
Tiến sĩ Arnout van de Rijt. Ảnh: ST
Để tìm hiểu xem thành công đến từ đâu, nhóm nghiên cứu của ông đã chia số người tham gia thành 2 nhóm. Trong đó họ trợ giúp cho một nhóm người, giúp nhóm này đạt được những thành tựu nhất định. Kết quả của nghiên cứu này, nhóm người được hỗ trợ trên tiếp tục thành công hơn những người còn lại
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết quả của nghiên cứu để làm nổi bật tầm quan trọng của "sự thúc đẩy nhỏ" ngay từ đầu và tầm quan trọng của sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời từ bên ngoài với thành công của một người.
6. Sự kiên cường
"Grit" (sự kiên cường) đã trở thành một từ thông dụng trong những năm gần đây sau khi nhà tâm lý học người Mỹ Angela Duckworth phổ biến nó trong cuốn sách cùng tên. "Grit" cũng là một cách khác để nói về sự kiên trì.
Trong khi một số người cho rằng tài năng là bẩm sinh, nghiên cứu của giáo sư ĐH bang Florida (Mỹ) cho thấy tài năng thực sự là sự kiên cường, khả năng đối diện với mọi thử thách, khó khăn trong suốt cả cuộc đời. Yếu tố này hoàn toàn phụ thuộc vào việc thực hành của một người.
Tiến sĩ K. Anders Ericsson. Ảnh: ST
Tiến sĩ K. Anders Ericsson đã kết luận từ nghiên cứu của mình: “Sự khác biệt giữa những chuyên gia và những người bình thường khác không phải là yếu tố bất biến như tài năng được di truyền. Thay vào đó, nó phản ánh nỗ lực có chủ ý trong suốt cuộc đời để cải thiện hiệu suất của họ”.