Chị Phong vốn có lối sống lành mạnh lại muốn giữ vóc dáng nên thích ăn rau củ, nhất là các loại rau sống. Khoảng 2 tháng trước, chị đột nhiên bị đau bụng âm ỉ và buồn nôn không rõ nguyên nhân.
Lúc đầu, chị nghĩ là mình ăn uống không cẩn thận nên tự mua thuốc tiêu hóa về uống. Thấy mấy ngày vẫn không cải thiện, người quen khuyên chị nên dùng phương pháp giác hơi nhưng vẫn không có tác dụng.
Ảnh minh họa
Đến ngày thứ 8, tình trạng của chị bất ngờ chuyển biến nhanh. Các cơn đau bụng ập đến dữ dội, kèm theo buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, choáng váng. Người nhà biết không thể chủ quan liền gọi cấp cứu đưa chị đến bệnh viện địa phương.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện ống mật chủ chị bị giãn, nhưng thiết bị chưa đủ hiện đại nên mất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân. Để kịp thời điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, chị được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh ngay sau đó.
Qua nội soi tổng quát và nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), cuối cùng bác sĩ đã tìm thấy một ký sinh trùng trong ống mật của chị Phong. Loại ký sinh trùng này có hình dạng giống con cá, kích thước khoảng gần 4cm. Sau khi được lấy ra ngoài, nó vẫn còn sống, có thể bơi lội khỏe mạnh.
Tư liệu hình ảnh của ca bệnh (làm mờ theo quy định Bệnh viện)
Tất cả các y bác sĩ đều tròn mắt nhìn nhau, họ chưa từng thấy loại ký sinh trùng cơ thể người nào lớn và trông kỳ lạ như vậy. Vì vậy, họ quyết định chia sẻ hồ sơ bệnh án để thu thập dữ liệu và tham khảo ý kiến chuyên môn từ các đồng nghiệp trên cả Trung Quốc.
Mất 1 phần 3 lá gan cho 1 mớ rau diếp cá là cái giá quá đắt!
Các cơ quan tham gia hỗ trợ bao gồm Viện Bệnh nhiệt đới, Viện Khoa học Trung Quốc, Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Quảng Tây, Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quảng Tây, Viện bệnh ký sinh trùng và Khoa xét nghiệm của Bệnh viện trực thuộc Trung ương 2 thuộc Đại học Nam Trung Quốc.
Cuối cùng, kết luận con vật được phẫu thuật lấy ra khỏi cơ thể chị Phong là một chủng đặc biệt của sán lá gan. Đây là một loại sán lá gan khổng lồ cực kỳ hiếm gặp. Cho đến nay, cả Trung Quốc chỉ có 2 báo cáo tương tự ở Quảng Tây, cả 2 đều liên quan đến rau diếp cá.
Điều tra bệnh sử cho thấy, đúng là loại sán này xâm nhập khi chị Phong ăn rau diếp cá sống mua ngoài chợ, về rửa chưa kỹ. Không may là khi đến bệnh viện, 1 phần 3 lá gan của chị đã bị con sán khổng lồ này ăn mất. Ống mật trong và ngoài gan cũng bị tổn thương nghiêm trọng, cơ thể bị suy dinh dưỡng nhẹ.
Tư liệu hình ảnh của ca bệnh (làm mờ theo quy định Bệnh viện)
Sau khi tìm hiểu về đặc điểm của loại sán này, bệnh viện đã tiến hành phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu và tẩy giun sán toàn diện cho chị Phong. Sau khi nằm viện 2 tuần, chị bắt đầu hồi phục rất nhanh, ăn uống cũng ngon miệng trở lại. Tuy nhiên, đây vẫn là cái giá quá đắt cho việc bất cẩn khi ăn uống không hợp vệ sinh.
Qua trường hợp này, bác sĩ cũng nhắc nhở chúng ta nên ăn uống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để không nhiễm sán lá gan nhỏ, nên cẩn thận với các loài ốc họ Bithynia, Melania, hay cá nước ngọt… Còn sán lá gan lớn dễ ẩn nấp trong ốc họ Lymnaea, các loại rau sống và rau mọc dưới nước như rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...
Cũng đừng uống nước mưa, ao, hồ, sông, suối chưa qua xử lý vì có thể chứa ấu trùng sán. Hãy thực hiện ăn chín uống sôi, rửa và chế biến thực phẩm thật kỹ. Khi có dấu hiệu bất thường đừng chủ quan mà cần nhờ đến sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế càng sớm càng tốt.
Nguồn và ảnh: KKnews, Daily Mail, Eat This