Trong phiên giao dịch ngày 12/8, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 10,26 điểm, kết phiên ở mức 1.262,33 điểm. Với điểm số này, VN-Index lên mức cao nhất hai tháng gần đây; chỉ số HNX-Index tăng 3,24 điểm, dừng chân ở mức 303,42 điểm.
Xét cho cả tuần từ ngày 8-12/8, chỉ số VN-Index tăng tổng cộng 9,59 điểm (+0,77%); HNX-Index tăng 3,52 điểm (+1,17%). Đà hồi phục của thị trường chứng khoán đã mang về niềm vui cho nhiều nhà đầu tư, khối tài sản của nhiều đại gia Việt đã ghi nhận mức tăng từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng đáng kể của chỉ số VN-Index trong tuần từ 8-12/8, mã cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không VIETJET do người phụ nữ giàu nhất Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo làm Tổng giám đốc lại ghi nhận mức giảm tổng cộng 2.200 đồng/cổ phiếu. Trong tuần vừa qua, VJC chỉ có 1 phiên tăng điểm và có tới 4 phiên giảm đáng kể.
Khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận mức giảm gần 500 tỷ đồng trong tuần từ 8-12/8
Với đà giảm này, khối tài sản của nữ đại gia 52 tuổi người Hà Nội tại VJC ghi nhận mức giảm tổng cộng gần 530 tỷ đồng trong tuần giao dịch vừa qua. Trong khi đó, khối tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo tại HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh lại ghi nhận mức tăng gần 52,5 tỷ đồng.
Tính chung trong tuần giao dịch từ 8-12/8, khối tài sản của người phụ nữ giàu nhất Việt Nam ghi nhận mức giảm tới hơn 477,5 tỷ đồng bất chấp đà tăng lên mức cao nhất 2 tháng của chỉ số VN-Index. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, khối tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm giữ có giá trị hơn 31.845 tỷ đồng.
Dù VJC vừa có một tuần giảm điểm nhưng trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) kỳ vọng sản lượng khách nội địa của VJC sẽ tăng 3,45 lần trong năm 2022 dựa trên tốc độ phục hồi của nhu cầu đi lại. Sang năm 2023, tăng trưởng này có thể chậm xuống còn 12% so với cùng kỳ từ mức nền cao.
Hàng không quốc tế của VJC cũng dự báo tăng mạnh, sản lượng khác quốc tế có thể đạt 2,43 triệu lượt trong năm nay, khả quan hơn nhiều mức 0,1 triệu lượt của năm 2021. Năm 2023, sản lượng khách quốc tế dự báo đạt 7,83 triệu lượt, gần bằng với thời điểm trước dịch năm 2019.
Năm 2022, VND dự phóng doanh thu của VJC đạt 50.385 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 1.317, lần lượt tăng 3,9 lần và 7,5 lần so với năm trước.
Trong khi đó, sau phiên tăng điểm mạnh cuối tuần vừa qua, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên giao dịch tới, chuyên gia của CTCK MB (MBS) đánh giá dòng tiền đang có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nên các nhịp điều chỉnh trong phiên hoặc cả phiên cũng sẽ qua nhanh, điển hình như 2 phiên 11 và 12/8. Thời điểm hiện tại cả trong và ngoài nước không có thông tin bất lợi, do vậy thị trường sẽ duy trì đà tăng cùng xu hướng hồi phục cùng các thị trường quốc tế.
Chuyên gia của CTCP BIDV (BSC) cho rằng trong những phiên tới, thị trường có thể sẽ tiếp tục giao dịch trong vùng 1.250 – 1.260 để tích lũy thêm khi 1.260 vẫn là ngưỡng cản cứng của thị trường.
Trong khi đó, chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Asean (Aseansc) cho rằng đà tăng điểm khá trong phiên giao dịch ngày 12/8 vừa qua chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật thông thường, và khả năng VN-Index sẽ tiếp tục gặp thử thách trong phiên giao dịch tới.
Chuyên gia của Aseansc dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.255 – 1.260 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.265 – 1.270 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.