Hết lòng với trẻ em đặc biệt tại TP.HCM, lan tỏa yêu thương và sự quan tâm
“Cô Bảy mặt trận" là biệt danh thân thuộc mà nhiều người gọi bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, 68 tuổi, Trưởng khu phố 20, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Trước khi nghỉ hưu, bà Hoàng từng làm việc tại một công ty dược và cũng thường xuyên gắn bó với các công việc xã hội, đoàn thể ở địa phương.
Sống tại nơi có nhiều người lao động khó khăn, bà Hoàng nói thường cố gắng nghĩ ra nhiều cách để hỗ trợ một phần đời sống của họ.
Điển hình như trong thời điểm cả khu phố bị phong tỏa vì dịch Covid-19, bà Hoàng là người đầu tiên đứng ra vận động mở “gian hàng 0 đồng”. Hằng ngày, bà nhận nhiệm vụ đi chợ hộ cho các gia đình, phát đồ hỗ trợ…
Hay mỗi khi tết đến xuân về, bà lại huy động chị em phụ nữ trong khu phố gói bánh tét, tổ chức chương trình “áo dài 0 đồng”… để mọi người ai cũng có một cái tết đàng hoàng, vui vẻ.
Hằng tháng, quý, năm, bà đều có kế hoạch bài bản, cùng chính quyền địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

"Cô Bảy mặt trận" Nguyễn Thị Kim Hoàng gom ve chai bán để gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo
ẢNH: NVCC
Liệt kê ra loạt hoạt động hiện nay như nấu bữa ăn dinh dưỡng, tặng quà cho người neo đơn, bà Hoàng nói các nguồn kinh phí đều do bà vận động, từ vận động các nhà hảo tâm cho tới các hộ dân khá giả trong xóm.
Nay bà còn “đặt hàng" các hộ cho xin ve chai để gom lại bán để gây quỹ học bổng cho trẻ em nghèo đến trường.
“Tôi chạy giáp lá cà, chỗ nào có là tôi xin. Sau đó tôi gom lại, đem bán rồi tích lũy dần để trao học bổng cho mấy đứa nhỏ là con em công nhân thuê trọ, những học sinh giỏi mà không đủ tiền đến trường”, bà Hoàng kể.
Trong những hoàn cảnh khó khăn được bà Hoàng giúp đỡ, có gia đình em Mỹ Duyên. Năm 2019, sau khi ba mẹ lần lượt qua đời, hai chị em Duyên sống bơ vơ trong nhà trọ.
Bà Hoàng biết chuyện nên nhận đỡ đầu hai đứa. Mỗi tháng bà hỗ trợ tiền cho các em, tìm cho Duyên công việc ở siêu thị để làm thêm nuôi em trai đi học.
Hiện tại cuộc sống của hai chị em đã ổn định hơn. Em trai Duyên đã tốt nghiệp đại học, còn Duyên thì đang đi học đại học tại chức.
Năm 2024, bà Hoàng được vinh danh là một trong 40 cá nhân tiêu biểu trong chương trình "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" do UBND TP.HCM - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức. Bà được biểu dương vì tấm lòng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tham gia xây dựng mỹ quan đô thị.
Biến bãi rác thành công viên
Một trong những thành tựu đáng khích lệ của “cô Bảy mặt trận" là cải tạo bãi rác thành công viên.
Hồi năm 2021, chung cư 336/1 Bis Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từng là điểm nóng về rác thải, ô nhiễm môi trường, do những hộ sống tại đây phần lớn làm nghề thu gom phế liệu.
Có một hộ làm nghề thu mua phế liệu trưng dụng bãi đất trống trước chung cư làm nơi tập kết rác tự phát.
Rác thải, phế liệu chất đống, tràn ra lối đi chung… Mùi hôi thối khắp nơi, trẻ con chơi giữa đống rác. Nhiều hộ gia đình không dám dọn mâm cơm ra ăn.
Ngay trước sân chung cư, rác chất như núi. Thế là bà Hoàng mới bàn với bà con, xin ý kiến chính quyền rồi đứng ra vận động hộ dân làm nghề mua bán phế liệu đó dọn sang nơi khác. Khoảng sân trống sẽ làm thành công viên.


Sân chung cư 336/1 Bis Phan Văn Trị trước khi cải tạo là nơi tập kết rác, sau khi bà Hoàng vận động cải tạo đã thành công viên thoáng đãng, sạch sẽ
“Tôi thương lượng, giải thích cho hộ dân đó hiểu. Thật ra họ cũng không muốn ảnh hưởng không gian chung, nhưng không có tiền thuê mặt bằng chỗ khác. Tôi mới nói giờ mấy đứa nhỏ chơi mà ngập ngụa trong rác thì không hay.
Thế là tôi đi kiếm mặt bằng để dời nơi tập kết rác sang nơi khác và nói là sẽ hỗ trợ cho họ 3 tháng tiền thuê. Nếu mà sang tháng thứ 4 vẫn còn khó khăn thì tôi hỗ trợ tiếp. Hộ dân đồng thuận liền và đến tháng thứ 4 thì họ ổn định và có thể tự trả tiền thuê mặt bằng”, bà Hoàng nói tiếp.
Khi rác được dọn đi, việc cải tạo bắt đầu.
Bà Hoàng vận động sửa đường, nâng nền, lắp máy tập thể dục. Người dân ai nấy đều phấn khởi.

Dù tuổi cao, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng vẫn tiếp tục công tác khu phố, cải tạo mỹ quan đô thị tại địa phương. Trong ảnh, bà Hoàng kiểm tra khu vực làm công viên từ khu tập kết rác trên đường Phạm Văn Đồng
ẢNH: THÚY LIỄU
Kinh phí hơn 200 triệu đồng để cải tạo toàn bộ đều do bà kêu gọi từ bạn bè, người quen. Từ tiền công thợ xây đến vật liệu, mọi thứ đều được ưu tiên giá “tình nghĩa” cho “cô Bảy mặt trận".
Sau khi cải tạo, khu đất trước đây là bãi rác được hồi sinh, trẻ em có chỗ chơi, người lớn có nơi tập thể dục.
“Tôi làm chẳng phải để tiếng tăm gì, mà làm thật lòng thôi”
Trong suốt cuộc phỏng vấn, bà Hoàng cứ nhắc đến chữ “dân".
Bà nói rằng mình gắn bó với công tác mặt trận, xã hội ở địa phương mà không thấy chán.
Bà từng trải qua một cơn đột quỵ và sau khi khỏe lại, bà vẫn xắn tay, hồ hởi với công tác này.
Lý do đơn giản, vì bà thấy mình luôn được gần gũi mọi người.
Bà Hoàng nói: “Tôi làm thiệt, chứ không vụ lợi. Mà làm thực tế thì dân mới quý, mới thương. Suy nghĩ phải công tâm, đi sâu vào hoàn cảnh nhà người ta để thấu hiểu. Nói chung, mình cũng phải ‘lì đòn’. Tôi làm chẳng phải để tiếng tăm gì, mà làm thật lòng thôi”.