Tết đến xuân sang, câu đầu tiên trong hầu hết những cuộc trò chuyện của chúng ta thường sẽ là: "Bao giờ về nhà?", nhưng dù là ở xa quê hay ở cùng bố mẹ, cứ nhắc tới vấn đề chi tiêu ngày Tết, có lẽ vẻ mặt chung nhất của mọi người sẽ là một vẻ mặt đau khổ, người nói tiêu hết vài chục triệu là điều bình thường, có người khoa trương hơn, tiết kiệm suốt một năm, tiêu hết trong 7 ngày Tết.
Vậy thì, chi bao nhiêu là phù hợp trong dịp năm mới? Cùng lắng nghe chia sẻ của 3 nhân viên văn phòng thuộc thế hệ 9X.
Thu nhập cuối năm nên chi tiêu như nào?
Điều tra 10 người thì có tới một nửa nói "Chắc là sẽ tiêu hết thôi!"
Một phóng viên đã phỏng vấn ngẫu nhiên 10 người thuộc thế hệ 9X, kết quả có 9 người nói rằng mức tiêu dùng trong dịp Tết của họ sẽ vượt quá 50% thu nhập cuối năm của bản thân, thu nhập cuối năm nói chung thường là lương + thưởng cuối năm.
Trong số tất cả những người được phỏng vấn, 5 người nói rằng thu nhập của họ có thể sẽ được tiêu hết vào cuối năm và có rất ít hy vọng tiết kiệm được. Hân, đi làm được năm năm cho biết, sau khi đi làm, cô thường tiêu tiền khá hoang, hầu như đều là nhận lương tháng nào hết tháng đó. "Gần cuối năm, tôi phải chuẩn bị quà cáp cho bố mẹ, ông bà, ước tính Tết sẽ tiêu tốn khoảng 20 triệu, có lẽ sẽ phải tiêu tín dụng, nhưng dù có phải như vậy thì cũng đành chịu, vì quà cáp cho năm mới là không thể thiếu, ra Tết đi làm rồi từ từ trả lại vậy", Hân cười khổ, dự toán tiền tiêu Tết vượt quá thu nhập cuối năm, bởi vì năm ngoái vừa chuyển công việc, trước mắt vẫn chưa làm đủ một năm, lương thưởng cũng sẽ giảm hơn một nửa so với năm ngoái.
Tân, người duy nhất dự tính tiền tiêu Tết sẽ không vượt quá 50%, nói: "Bình thường tôi cũng có thói quen tiết kiệm, thưởng mỗi cuối năm bình thường cũng sẽ cất đi, dự định muốn mua nhà ở thành phố, vì vậy, Tết nhất cũng sẽ không tiêu linh tinh, bố mẹ cũng rất ủng hộ tôi, dẫu sao thì cũng chưa kết hôn, quà cáp thường là câu chuyện giữa các bậc bề trên."
Lương thưởng cuối năm dành hết cho Tết, "đau" nhưng đáng
Phú, làm việc được 8 năm, thu nhập hàng tháng khoảng trên dưới 40 triệu.
Nói về các khoản chi tiêu trong năm mới, Phú, người đã có thâm niên 8 năm làm việc, thẳng thắn cho biết so với những năm trước, ngân sách năm nay hơi "đau". Phú hiện đang làm việc tại khu công nghệ cao ở thành phố, anh là một nhà thiết kế đồ họa với thu nhập hàng tháng rất khá, tiền thưởng cuối năm thường luôn được dành cho năm mới. Vì Phú mới chuyển đến nhà mới, cha mẹ và gia đình chị gái năm nay sẽ lên thành phố để đoàn tụ, vì vậy chi phí sẽ cao hơn những năm trước.
"Năm ngoái, tôi đã hứa với đứa cháu trai học lớp 5 của mình rằng nếu nó thi học kỳ tốt , lì xì sang năm sẽ được nhân đôi, tức là 1 triệu, năm nay, thằng bé đã làm bài thi rất tốt, có một môn còn được điểm tuyệt đối, đã đến lúc phải thực hiện lời hứa rồi."
Phú nói với phóng viên rằng khoản chi lớn nhất trong năm nay dự kiến là phong bì 10 triệu cho bố và mẹ. "Gia đình chị gái tôi định cư ở thành phố khác, hiếm khi mới có dịp cả nhà đông đủ. Mọi người sẽ cùng nhau ăn tối vào đêm giao thừa, đây cũng là một khoản chi lớn." Rồi còn lì xì, quà cáp cho họ hàng, người thân. "Chi tiêu tuy có hơi nhiều nhưng tôi thấy xứng đáng, dẫu sao cũng 30 rồi, phần lớn chi tiêu Tết của gia đình hiện tại đều do tôi đảm nhiệm."
Đưa bố mẹ đi du lịch, Tết trở thành khoản chi lớn nhất
Linh, 25 tuổi, làm việc được 3 năm
Dành toàn bộ lương thưởng cuối năm cho chuyến du lịch với bố mẹ.
Cách đây 2, 3 tháng, mỗi khi có thời gian, Linh đã bắt đầu tìm hiểu về vé máy bay đi du lịch. "Ở chỗ tôi ở có một phong tục là không được ở nhà vào ngày mồng 1, phải đi ra ngoài, vì vậy tôi đang tìm thời gian thích hợp để đặt vé, và tôi muốn đưa bố mẹ đi du lịch một chuyến."
Vì bình thường cũng đều ở với bố mẹ, được bố mẹ bao ăn bao ở nên chuyến đi lần này, Linh muốn chi trả từ A tới Z. Cô dự tính chuyến đi lần này mỗi người sẽ hết khoảng 12 triệu. Ngoài chuyến du lịch, chi tiêu lớn nhất trong dịp Tết là quà cáp. "Bình thường tôi cũng là một đứa khá tiết kiệm, nhưng Tết đến cũng sẽ suy nghĩ mua những món mà trước đó mình không nỡ mua. Năm nay cũng dự định sẽ mua cho mẹ một món quà mới, có thể là điện thoại mới cho mẹ, còn lì xì cho con trai của chị gái… Tính ra thì lương thưởng các kiểu đều đập hết vào đây rồi. Ngoài ra cũng cần quà cáp cho người thân, họ hàng, những người quen biết khác. Cũng đã đi làm rồi, không thể như hồi còn đi học, có những mối quan hệ là không thể tránh khỏi."
Năm mới, chỉ muốn dành thời gian cho bố mẹ
Vân: 24 tuổi, làm việc chưa đầy hai năm.
"Công ty không có thói quen phát thưởng cuối năm. Tiền tiêu Tết đều là tiền tôi tiết kiệm hàng tháng, bình thường cũng hay gửi tiền về cho bố mẹ. Ngoài ra, sinh hoạt phí của em trai cũng do tôi chi trả. Vì vậy tôi luôn đón tết đơn giản một chút, khi về nhà cũng không phải tiêu gì quá nhiều". Sau khi ăn tết xong, Vân sẽ chuyển qua phòng trọ mới, "Tôi rất mong đợi, tuy đắt gấp đôi so với chỗ ở trước đây nhưng nó rất hợp ý tôi, tất nhiên, đó cũng là một khoản chi lớn, vì vậy tôi vẫn cần tiết kiệm để trả tiền thuê nhà."
Từ một sinh viên trở thành một nhân viên văn phòng, Vân thẳng thắn cho biết thay đổi tâm lý lớn nhất chính là hiểu được giá trị của tình cảm gia đình và ngày càng trân trọng thời gian ở nhà hơn, chỉ muốn ở nhà, không muốn dành thời gian cho những việc khác. Vân nhớ lại: "Năm ngoái, tôi được một người bạn lâu ngày không liên lạc gọi tới chơi bài, cảm giác rất nhàm chán, chắc tại tôi không thích mấy thứ đó. Năm nay nếu lại được gọi thì chắc tôi sẽ từ chối thôi."
Vân nói rằng cô đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết của mình sau khi về nhà, ví dụ như buổi sáng sẽ dậy sớm để ăn cơm mẹ nấu, sau đó cùng mẹ đi ra chợ và làm việc nhà, buổi chiều thì đi lượn lờ, hoặc rủ bạn đi leo núi, xem xem quê hương có gì thay đổi hay không. "Không phải nghĩ tới công việc, đâu đâu cũng là người và vật quen thuộc, thoải mái và bình yên!"