Được biết, nhà đầu tư ước tính, chi phí thực hiện dự án là 24.924 tỷ đồng. Sau khi tính gộp lãi vay, chi phí tài chính theo phương án BOT, tổng mức đầu tư dự án sẽ là 28.987 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước góp 2.163 tỷ đồng (gồm có cả chi phí giải phóng mặt bằng, chiếm 7,46%), vốn do nhà đầu tư BOT huy động là 26.824 tỷ đồng.
Theo đó, trong vốn của nhà đầu tư, phần vốn vay là 22.800 tỷ đồng (chiếm 85%); vốn chủ sở hữu là 4.024 tỷ đồng, chiếm 15%.
Theo tìm hiểu, tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm là tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam và cũng là một trong những tuyến đường sắt răng cưa hiếm hoi trên thế giới nhưng hiện nay chỉ còn là phế tích. Dù vậy nó vẫn mang một vẻ đẹp khá độc đáo. Những chiếc đầu máy hơi nước cổ đã bị bán cho một công ty đường sắt Thụy Sĩ. Công ty này đã mang về nước phục chế và chạy trên tuyến đường sắt răng cưa Furka phục vụ du lịch.
Tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ hơn 100 năm trước
Đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt hay đường sắt Phan Rang – Đà Lạt là một tuyến đường sắt đã ngưng sử dụng, từng nối Đà Lạt với tuyến đường sắt Bắc Nam tại Tháp Chàm, gần Phan Rang, Ninh Thuận.
Dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất cho khôi phục lại trên cơ sở các thông số của tuyến đường cũ được người Pháp xây dựng ở thế kỷ trước. Với tổng số vốn dự kiến là 5.000-7.000 tỷ đồng, nhưng đã không thực hiện được.
Trước đó, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng cũng đã có đề xuất khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP. Theo tư vấn lập nghiên cứu dự án - Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South), đây sẽ là đường đơn khổ 1.000mm; tốc độ thiết kế trên đoạn đường bằng là 60km/giờ, đoạn núi khi qua đường sắt răng cưa là 30km/giờ. Tuyến được khôi phục dựa trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, có điều chỉnh để giảm độ dốc, với khoảng 15-17 ga, qua 5 hầm xuyên núi. Tuyến đường này sẽ kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1.000mm hiện hữu tại ga Tháp Chàm. Tuy nhiên cho đến nay, mọi ý tưởng vẫn còn đang nằm trên giấy.
Công ty Cổ Phần Thương Mại - Dịch Vụ Khách Sạn Bạch Đằng được chuyển đổi từ Công ty TNHH Thương Mại - Dịch Vụ Khách Sạn Bạch Đằng với vốn điều lệ 248 tỷ đồng. Công ty là chủ sở hữu của Khu Phức hợp Khách sạn Bạch Đằng – Bạch Đằng Complex, tọa lạc tại vị trí 50 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Theo dữ liệu công bố Bạch Đằng Complex gồm 02 tòa tháp: Khu khách sạn tiêu chuẩn 5 sao gồm 29 tầng, 223 phòng, được quản lý bởi Tập đoàn Hilton, mang tên Hilton Da Nang (HTH) và Khu phức hợp gồm văn phòng, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, giải trí với 25 tầng được quản lý bởi tập đoàn Savills, mang tên Heritage Treasure Da Nang (HTD).
Được biết, Công ty Bạch Đằng đang tập trung đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ khách sạn, căn hộ, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, nhà hàng và các dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế. Hiện nay, Công ty Bạch Đằng đang đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển Dự án Khu Phức hợp Khách sạn Bạch Đằng – Bạch Đằng Complex, tọa lạc tại vị trí 50 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Theo thông tin trên Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, CTCP Thương Mại - Dịch Vụ Khách Sạn Bạch Đằng có vốn điều lệ là 450 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Thân Hà Nhất Thống.
Ông Thân Hà Nhất Thống hiện cũng đang là thành viên HĐQT kiêm Chủ tịch Uỷ ban kiểm toán của CTCP Địa ốc First Real (mã CK: FIR). Ông Thống được bầu vào HĐQT của Địa ốc First Real từ ngày 22/5/2020.
Trước đó, ông Thống từng là cổ đông lớn sở hữu 255.150 cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 6,075% của CTCP Máy - Thiết bị Dầu khí Đà Nẵng (mã CK: DAS). Sau đó, ông Thống đã bán hết số cổ phiếu trên vào ngày 3/7/2020.