
Hơn 1.300 người bình luận trước thông tin chặn ứng dụng Telegram tại Việt Nam trên Fanpage báo Dân trí (ảnh chụp màn hình).
Ngay sau khi Fanpage báo Dân trí chia sẻ thông tin về việc chặn Telegram, một "cơn bão" bình luận đã nổ ra với hơn 1.300 ý kiến.
Đáng chú ý, đại đa số người dùng đều bày tỏ sự đồng tình, thậm chí là mong muốn "khai tử" ứng dụng này khỏi không gian mạng Việt Nam, như một giải pháp cấp thiết trước những hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại.
Anh Tuấn Minh, một nhân viên truyền thông tại Hà Nội, không giấu nổi sự bức xúc: "Telegram là công cụ trao đổi công việc hàng ngày của tôi. Thế nhưng, tài khoản cá nhân liên tục bị tự động thêm vào vô số hội nhóm đen như đánh bạc online, "việc nhẹ lương cao" ở Campuchia, hay các nhóm mại dâm. Tôi chặn không xuể, chúng cứ mọc lên như nấm sau mưa, thực sự khủng khiếp".
Dù lo lắng về dữ liệu công việc lưu trữ trên nền tảng, anh Minh vẫn kiên quyết ủng hộ việc chặn ứng dụng này: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc này để làm trong sạch không gian mạng vì có nhiều ứng dụng khác thay thế được. Tôi sẽ tìm cách để có thể lưu lại những dữ liệu công việc công ty nhanh chóng", anh chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Thắng (nhân viên văn phòng) vẫn chưa quên được khoảnh khắc bẽ mặt trước đồng nghiệp: "Tôi ước ứng dụng này bị cấm tiệt ở Việt Nam chứ không chỉ là chặn", anh Thắng nói.
"Tôi dùng Telegram để cập nhật tin tức trong nước và quốc tế, nhưng trong một bữa trưa với công ty, điện thoại tôi thông báo được thêm vào nhóm mới. Tôi mở ra và chết đứng khi hàng loạt hình ảnh sex nhạy cảm hiện lên trước mắt mọi người.

Nhiều hội nhóm mại dâm trên Telegram (Ảnh: Thế Anh).
Thật không thể hiểu nổi tại sao Telegram lại dễ dãi cho phép tự động thêm người dùng vào các nhóm đồi trụy như vậy", anh nhớ lại.
Nỗi lo của anh Thắng còn nhân lên gấp bội khi nghĩ đến con cái: "Các con tôi đã bắt đầu dùng điện thoại. Nếu chúng vô tình tải xuống và lạc vào những "động mại dâm" trá hình này thì hậu quả sẽ khủng khiếp đến mức nào".
Trớ trêu thay, chính những "tính năng" khiến nhiều người dùng khốn đốn lại là "điểm hấp dẫn" đối với một bộ phận khác.
Anh N.M.N (xin được giấu tên) thẳng thắn thừa nhận: "Tôi và nhiều bạn bè dùng Telegram chủ yếu để xem clip sex. Nội dung trên này rất đa dạng, các cô gái mại dâm tự quay video rồi đăng lên nhóm. Ai có nhu cầu thì liên hệ theo thông tin đính kèm. Từ dịch vụ bình dân đến cao cấp, giá cả công khai, cứ ưng là vào việc".
Thực tế nhức nhối cho thấy, Telegram không chỉ là nơi trú ẩn của các hội nhóm mại dâm, cờ bạc.
Nền tảng này đã biến tướng thành một "chợ đen" khổng lồ, nơi các đối tượng tội phạm công khai hoạt động vi phạm pháp luật, từ lừa đảo tinh vi qua chiêu trò "cộng tác viên online" đến mua bán dữ liệu cá nhân, dữ liệu. Đã có vô vàn người dùng sập bẫy, trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram được xác định tại Việt Nam.
Đáng lo ngại hơn, nhiều hội nhóm với hàng chục nghìn thành viên do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, liên tục tán phát tài liệu chống phá nhà nước, thậm chí có trường hợp nghi vấn liên quan đến hoạt động khủng bố.
Theo đó, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an; báo cáo giải pháp, kết quả thực hiện bằng văn bản về Cục Viễn thông trước ngày 02/6/2025.
Cuộc tranh luận về số phận của Telegram tại Việt Nam không chỉ phản ánh sự bất bình của người dùng trước một ứng dụng bị lạm dụng, mà còn đặt ra bài toán cấp bách cho các nhà quản lý trong việc làm thế nào để bảo vệ một không gian mạng an toàn, lành mạnh cho người dân.