Noland Arbaugh, 30 tuổi, sống tại thành phố Yuma, bang Arizona, Mỹ, cho biết anh không gặp các tác dụng phụ không mong muốn nào sau một năm cấy ghép chip vào não, cả về thể chất lẫn tâm lý.
Hiện Noland Arbaugh đã có thể dễ dàng điều khiển máy tính, chơi game… bằng suy nghĩ của mình thông qua con chip cấy vào não. Neuralink cho biết họ đang tìm giải pháp để giúp Arbaugh có thể điều khiển xe lăn bằng chip não của anh.

Cuộc đời Noland Arbaugh đã có nhiều thay đổi kể từ khi anh được cấy chip não của Neuralink (Ảnh: Wired).
"Gần đây đội ngũ phát triển đã làm việc tích cực để mở rộng quy mô hoạt động. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi chip này được cấy ghép trên hàng chục, hàng trăm và sau đó là hàng ngàn người," Noland Arbaugh chia sẻ.
Noland Arbaugh gặp tai nạn nghiêm trọng trong khi đang lặn vào năm 2016 khiến anh bị liệt toàn thân, chỉ cử động được phần đầu và cổ. Arbaugh tưởng rằng mình sẽ phải sống đời thực vật suốt quãng thời gian còn lại, cho đến khi anh trở thành người đầu tiên được cấy chip não của Neuralink.
Cuối tháng 3/2024, Elon Musk công bố Noland Arbaugh là người đầu tiên trên thế giới được cấy chip não do công ty công nghệ sinh học Neuralink phát triển. Ca phẫu thuật cấy chip vào não Arbaugh được thực hiện hoàn toàn tự động bằng cánh tay robot.
Con chip được Neuralink cấy vào não của Arbaugh có tên gọi Telepathy (hoặc tên khác là N1 Implant), là một thiết bị kết nối não - máy tính. Con chip này có kích thước tương đương đồng xu (đường kính khoảng 23mm) và được cấy hoàn toàn dưới hộp sọ, khiến nó trở nên vô hình về mặt thẩm mỹ.
Chip Telepathy có 1.024 điện cực với 64 dây dẫn có kích thước mỏng hơn sợi tóc người. Các dây dẫn này được cấy vào vùng vỏ não vận động, nơi kiểm soát ý định vận động của não người.
Chip Telepathy được tích hợp pin, cho phép sạc không dây từ bên ngoài thông qua bộ sạc cảm ứng. Chip này có khả năng ghi lại hoạt động điện của các nơron thần kinh và giải mã các tín hiệu này thành mệnh lệnh, sau đó sử dụng kết nối Bluetooth để truyền tín hiệu não đến các ứng dụng bên ngoài.
Noland Arbaugh điều khiển con trỏ chuột và chơi game cờ vua bằng suy nghĩ (Video: X).
Chỉ một thời gian ngắn sau khi cấy ghép chip não, Arbaugh đã có thể sử dụng suy nghĩ để điều khiển con trỏ chuột trên máy tính. Anh còn có thể chơi game, duyệt web, đăng bài lên mạng xã hội… chỉ bằng suy nghĩ.
Dù không gây ra tác dụng phụ, một vấn đề mà chip não của Neuralink đang gặp phải đó là các điện cực truyền tín hiệu não bị ngưng hoạt động sau một thời gian. Với trường hợp của Arbaugh, 85% số lượng điện cực của chip đã ngưng hoạt động.
Neuralink đã phải cập nhật phần mềm để khai thác sức mạnh của các điện cực còn lại trên chip não của Arbaugh, giúp anh có thể tiếp tục sử dụng chip não này một cách hiệu quả.
Noland Arbaugh chơi game đua xe bằng ý nghĩ của mình (Video: Neuralink).
Việc chip não của Neuralink không gây ra các tác dụng phụ sẽ giúp công ty này có cơ sở để tiếp tục cấy ghép chip vào não của nhiều bệnh nhân khác, những người đang gặp vấn đề về vận động.
Năm 2016, Elon Musk đã thành lập Neuralink, với tham vọng tạo ra một máy tính có thể cấy ghép vào bên trong bộ não của con người.
Mục tiêu ban đầu của Neuralink đó là sẽ giúp những người bị bại liệt, để cho phép họ có thể điều khiển máy tính hoặc smartphone bằng trí não, tiếp theo đó là để giúp điều trị cho những người bị mất trí nhớ hoặc các chứng bệnh liên quan đến thần kinh khác.
Sau những thành quả đạt được bước đầu với Noland Arbaugh, Elon Musk đặt ra mục tiêu cho thế hệ chip tiếp theo của Neuralink đó là giúp chữa chứng mù lòa cho những người bị khiếm thị, chữa bệnh tâm thần phân liệt…
Hiện Neuralink vẫn tiếp tục tuyển tình nguyện viên, là những người bị liệt tứ chi, để thử nghiệm cấy ghép chip vào não.