Thông tin trên được đề cập trong báo cáo điều tra nhu cầu về nhà ở đến 2030 của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, gửi UBND thành phố. Báo cáo trên phân tích về nhu cầu, khả năng tài chính của người dân với ba loại hình bất động sản phổ biến là đất nền, nhà riêng và căn hộ.
Theo đó, với căn hộ chung cư, người dân chủ yếu muốn tìm các căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 65 m2 trong tầm giá 2,3-8 tỷ đồng mỗi căn. Xét về tài chính, trung bình các hộ gia đình có thể chi trả khoảng 53% giá trị căn hộ định mua.
Với nhà ở riêng lẻ, phần lớn các hộ gia đình tính mua một hoặc tối đa 3 căn, diện tích bình quân 66 m2, cao 1-2 tầng. Đa phần họ muốn mua với giá trung bình 2,76 tỷ đồng, cao nhất 15 tỷ đồng một căn nhà. Đây là mức giá khá khó kiếm trên địa bàn thành phố hiện nay, phần lớn chỉ còn ở các huyện vùng ven. Dù vậy, khả năng mà người mua có thể trả khoảng 49% giá trị tài sản.
Còn với đất nền, trung bình các hộ gia đình dự tính sở hữu 1 thửa đất, trong đó trên 80% muốn mua ở khu vực nội thành, giá bình quân 1,74 tỷ đồng và cao nhất 10 tỷ. Với mức giá trên, hộ gia đình có thể chi trả tối đa 68% giá trị của tài sản dự kiến mua.
Trong các trường hợp có kế hoạch mua bất động sản, nguồn tiền để mua đến từ tiết kiệm, vay ngân hàng (tối đa 50% giá trị tài sản), còn lại từ "kênh" vay người thân.
Cũng theo báo cáo, 99% người dân thành phố muốn sở hữu chung cư, nhà riêng lẻ ở ngay tại địa bàn. Với đất nền con số này là 80% và gần 20% chấp nhận mua đất nền ở tỉnh.
Để đáp ứng nhu cầu mua của người dân, Viện Nghiên cứu ước tính nguồn cung nhà ở cần tăng thêm trên nửa triệu căn (không tính đất nền) tới 2030. Trong đó, số lượng nhà ở riêng lẻ cần thêm 456.770 căn, tương đương gần 40 triệu m2 sàn. Chung cư khoảng 59.016 căn, tương đương 3,7 triệu m2 sàn tăng thêm.
Trước đó, theo báo cáo khảo sát về khả năng mua nhà của người dân tại TP HCM và Hà Nội của chuyên trang Batdongsan, tại thời điểm 2024, người trẻ trên dưới 30 tuổi cần trung bình 25,8 năm thu nhập để mua một căn chung cư giá 3 tỷ đồng. Điều kiện là lãi suất huy động khoảng 4,5% và giá nhà không tăng tiếp.
Còn theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của một lao động Việt Nam là 7,6 triệu đồng mỗi tháng, tăng 7% một năm. Ước tính một hộ gia đình phải dành hoàn toàn 21-23 năm thu nhập để sở hữu một căn hộ 55-60 m2, với điều kiện giá nhà không tăng. Nếu tỷ lệ tiết kiệm ở mức 50% sau khi chi trả sinh hoạt phí, số năm sẽ tăng gấp đôi.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho biết thông thường các bạn trẻ ở nước ngoài cần đi làm khoảng 10–12 năm, tối đa 15 năm để đủ tài chính mua được một ngôi nhà. Còn ở Việt Nam phải mất từ 23-25 năm, gần hết đời công chức.
Thực tế, thị trường bất động sản TP HCM đối mặt thiếu hụt nguồn cung và giá nhà leo thang. 11 tháng đầu năm, thành phố chỉ có 31 dự án nhà ở thương mại triển khai, quy mô 31.167 căn, theo thống kê từ Sở Xây dựng TP HCM. Số này bằng một phần ba lượng dự án triển khai cùng kỳ các năm trước. Trong số này 4 dự án đủ điều kiện mở bán (1.611 căn), giá bình quân 9,4 tỷ đồng mỗi căn.
Còn theo Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), giá chung cư mới mở bán bình quân từ 55 triệu đồng mỗi m2. Căn hộ hai phòng ngủ, diện tích 65 m2 có giá gần 4 tỷ đồng, gồm thuế, phí. Để tìm mua căn hộ có giá dưới 3 tỷ đồng ở thành phố, theo HoREA, rất khó khăn và căn hộ dưới 2 tỷ đồng là "hàng hiếm".
Bên cạnh đó, giá nhà được dự báo tiếp tục đắt đỏ, trong bối cảnh tiền sử dụng đất tăng theo bảng giá đất mới, chi phí phát triển dự án leo thang.