Tờ The Paper mới đây đưa tin, một vụ kiện dai dẳng từ năm 2019 khiến dư luận chú ý ở Trùng Khánh, Trung Quốc đến nay cuối cùng cũng đã có kết quả. Theo đó, năm 2019 một công ty ô tô tại Trùng Khánh đã kiện một công ty máy móc cơ khí ra tòa vì nợ 1,4 triệu NDT (khoảng 4,8 tỷ đồng) và tiền lãi không chịu thanh toán. Tuy nhiên, đến khi bản án có hiệu lực, tòa án lại phát hiện ra công ty máy móc đã hủy đăng ký kinh doanh.
Việc thanh lý này là trái pháp luật, vì vậy tòa án tiếp tục yêu cầu cổ đông duy nhất của công ty là doanh nhân họ Hồ phải chịu trách nhiệm. Cũng từ đó, phát hiện ra thêm nhiều sai phạm của người này và những chiêu trò tinh vi để trốn tránh các khoản nợ khổng lồ.
Theo điều tra, người đàn ông họ Hồ là chủ công ty máy móc tại Trùng Khánh. Người này được biết đến là có tài sản kếch xù, sống trong biệt thự sang ở khu vực trung tâm đắt đỏ của thành phố và đi xe hơi hạng sang. Trước đây, ông Hồ là khách vip của công ty ô tô nói trên và về sau đã trở thành đối tác ký hợp đồng kinh doanh.
Khi đã trở thành đối tác quen thuộc của công ty ô tô, ông Hồ đã được công ty đồng ý cho thanh toán sau một số khoản hợp đồng. Khi món nợ lên đến 1,4 triệu NDT (khoảng 4,8 tỷ đồng), ông Hồ vẫn nhiều lần lần lữa chưa chi trả cho công ty ô tô. Nhận thấy công ty máy móc của ông Hồ vẫn hoạt động tốt và ông Hồ vẫn là người giàu có, công ty ô tô tạm yên tâm với khoản nợ của mình. Cho đến cuối năm 2019, công ty ô tô nghe được thông tin công ty máy móc của ông Hồ đang đến bờ vực phá sản, sắp phải thanh lý và giải thể.
Không chỉ vậy, thông quan điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện ông Hồ có khoản nợ bảo hiểm xã hội của công ty là 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng). Tính đến thời điểm bị bắt vào năm 2024, ông Hồ đã nợ tiền bảo hiểm đến 5 năm, nhiều lần được gửi giấy thông báo nhưng vẫn không phản hồi. Ngoài ra, còn có rất nhiều khoản nợ khác chưa được thống kê.
Khi được cơ quan điều tra mời đến làm việc, ông Hồ cho biết bản thân đang trong tình trạng “cuộc sống khó khăn”, gia đình tạm thời không có đủ khả năng chi trả nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh sát cho biết ông Hồ đã dùng mọi thủ đoạn để trốn tránh. Từ tháng 6/2023, ông Hồ đã đăng ký chuyển nhượng nhiều tài sản đứng tên mình sang tên vợ và người khác để tẩu tán tài sản còn sót lại. Ngoài mặt, ông Hồ vẫn sống trong biệt thự và đi xe sang để qua mặt các chủ nợ, đồng thời tạo uy tín để vay tiền thêm nhiều người khác.
Đến tháng 7/2024, khi công ty ô tô nộp đơn lên tòa án yêu cầu xét xử hành vi vi phạm của ông Hồ, mọi việc mới vỡ lở. Nhưng sau khi điều tra và truy tố, tòa án không tìm thấy tài sản nào khác đứng tên ông Hồ. Thẩm phán điều hành đã triệu tập ông Hồ nhiều lần, nhưng người này liên tục từ chối với lý do mình không ở Trùng Khánh hoặc đã ủy thác cho luật sư giải quyết vụ án. Ông Hồ yêu cầu luật sư truyền đạt lại cho thẩm phán thi hành án rằng toàn bộ số tài sản của ông đã bị tòa xử lý, hiện ông đang gặp khó khăn và mong được giữ lại chi phí sinh hoạt cơ bản.
Đối mặt với việc ông Hồ tìm đủ mọi cách để trốn tránh thi hành án, tòa án ở Trùng Khánh quyết định ra lệnh tạm giam tư pháp đối 15 ngày, với lý do ông Hồ có đủ năng lực hành vi dân sự nhưng không chịu chấp hành và khai man tài sản cá nhân. Phải đến khi bị bắt, ông Hồ mới chịu thừa nhận vi phạm của mình. 3 giờ sau khi bị đưa đến trại tạm giam, vợ của ông Hồ đã chuyển số tiền nợ và tiền lãi 1,69 triệu NDT (khoảng 5,9 tỷ đồng) của công ty ô tô cho tòa án. Về phía khoản nợ 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng) bảo hiểm xã hội, gia đình ông Hồ xin thêm thời gian để hoàn trả.