Đánh thuế bất động sản người có nhiều tài sản
Đầu tháng 3, Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các nội dung góp ý gồm: đề xuất gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có). Việc lấy ý kiến lần này hướng đến đánh giá tác động của nội dung sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân và ngân sách nhà nước.
Đến ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nghị quyết này là một trong những văn bản quan trọng cụ thể hóa việc thực hiện đường lối chính trị đã được Đại hội Đảng khóa XIII quyết định với mục tiêu đưa nước ta thành nước công nghiệp có thu nhập cao tại cột mốc 100 năm thành lập nước.
Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng nhấn mạnh nhiệm vụ ban hành sắc thuế bất động sản với nội dung cụ thể hơn như: Rà soát và xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và tạo lộ trình hợp lý; đánh thuế cao vào người có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng, bỏ đất hoang; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và người dân tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ rừng tự nhiên.
Người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà
Liên quan đến việc nhiệm vụ ban hành sắc thuế bất động sản trong Nghị quyết số 18, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh nội dung này là phù hợp với tình hình thị trường bất động sản hiện tại. Đây là giải pháp cần thiết để bình ổn thị trường.
Song ông Võ cho rằng, cốt lõi của vấn đề vẫn là dẹp bỏ tư duy về bảo vệ quyền riêng tư về tài sản, thay bằng tư duy minh bạch tài sản, bắt buộc giải trình nguồn gốc tài sản, cách duy nhất để loại bỏ tham nhũng. Vì vậy, quãng đường khó khăn còn dài và cần tới quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cả dân tộc.
"Ban hành Luật thuế bất động sản hợp lý là nhiệm vụ tối quan trọng được đặt ra. Vấn đề còn lại là thống nhất ý chí trong bộ máy Nhà nước để thực hiện Nghị quyết 18, không lặp lại tình trạng 10 năm qua phớt lờ chính sách thuế bất động sản đã đặt ra trong Nghị quyết 19 và chuẩn bị hạ tầng quản lý đủ điều kiện để áp dụng được sắc thuế bất động sản này", ông Võ bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế bất động sản cần được đẩy nhanh tiến độ. Vị lãnh đạo VARs nhấn mạnh, việc đánh thuế nhà và tài sản phải nhắm đến triệt tiêu được nạn đầu cơ, hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường bất động sản và thổi giá lên quá cao. Việc đánh thuế này cũng cần xét đến bảo vệ cho đại bộ phận người lao động, công chức có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, việc đánh thuế bất động sản sẽ khiến cho cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp, trung bình sẽ rộng mở hơn.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) từng nêu ra đề xuất rằng, Nhà nước cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng. Hiện nay, nhà nước có chính sách thu hồi đất, chậm đưa vào sử dụng nhưng chỉ thu hồi những dự án bất động sản không đưa vào sử dụng.
Đồng thời, người sở hữu nhà tại Việt Nam chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó thuế suất đối với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất. Ông Châu cho rằng, mức nộp thuế này quá thấp, gần như không đáng kể và không đủ sức điều tiết thị trường.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, trước khi ban hành và áp dụng một sắc thuế, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có lộ trình và phải xét đến tính bền vững của thị trường nhà ở.
Điều quan trọng nhất là thị trường ổn định thì việc thu thuế mới khả thi.