Ngày 29/3, CTCP Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart (Vinsmart) đã công bố thông tin tài chính định kỳ năm 2022. Năm ngoái, Vinsmart ghi nhận khoản lỗ sau thuế 1.079 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ gần 5.000 tỷ đồng năm 2021.
Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vinsmart âm 455 tỷ đồng, so với mức âm 609 tỷ đồng đầu năm. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu từ mức âm 4,89 kỳ đầu năm xuống mức âm 1,79 tại thời điểm cuối năm 2022.
Năm ngoái, Vinsmart đã thực hiện thanh toán hơn 170 tỷ đồng tiền lãi của các lô trái phiếu được phát hành trong năm 2020, kỳ hạn 36 tháng. Trước đó, năm 2021, doanh nghiệp này cũng đã thanh toán khoản lãi hơn 75,6 tỷ đồng cho lô trái phiếu này.
Cách đây hai năm, Vinsmart đã dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment"trên phương tiện giao thông (VinFast) và nhà ở.
Khi đó, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Vingroup cho biết: "Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng".
Vinsmart ban đầu được biết tới là công ty sản xuất điện thoại thông minh "made in Viet Nam". Ở thời điểm ra mắt vào năm 2018, công ty đã giới thiệu hai dòng sản phẩm thuộc phân khúc thấp (VSmart Joy 1 và VSmart Joy 1+) và hai dòng sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung (VSmart Active và VSmart Active 1+).
Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường Gfk, chỉ sau 15 tháng ra mắt, hãng điện thoại trực thuộc tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng chiếm 16,7% thị trường smartphone Việt Nam, qua đó chính thức góp mặt trong top 3 thương hiệu chiếm trên 15% thị phần tại Việt Nam ở thời điểm lúc bấy giờ.
Năm 2020, Vinsmart từng trình làng thiết kế camera ẩn dưới màn hình trên dòng sản phẩm Vsmart Airs Pro.
Sau gần ba năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu ti vi. Trong đó, điện thoại Vsmart thường nằm trong top 3 thị phần smartphone tại Việt Nam.