Mặt trái của đặc quyền
Tuy quân đội Mỹ mạnh nhất thế giới nhưng đồng USD mới là vũ khí lớn nhất của họ. Theo ước tính, khoảng 60% trong tổng số 12,8 nghìn tỷ USD dự trữ toàn cầu hiện được lưu giữ bằng USD, mang lại cho Mỹ một đặc quyền to lớn so với các quốc gia khác. Nhưng Mỹ sắp phải trả giá cho đặc quyền đó khi các khoản nợ của chính phủ Mỹ được trả bằng USD, thêm vào đó, lãi suất cũng thấp hơn.
Mỹ có thể đi vay từ các quốc gia khác bằng đồng tiền của mình, vì vậy nếu đồng USD mất giá, thì nợ cũng vậy. Các doanh nghiệp Mỹ có thể thực hiện các giao dịch quốc tế bằng đồng USD mà không phải trả phí chuyển đổi.
Tuy vậy, trong trường hợp xấu nhất, Mỹ có thể "cắt đứt" khả năng tiếp cận của đồng USD với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, cô lập và làm kiệt quệ nền kinh tế của họ. Raghuram Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ gọi sức mạnh này là "vũ khí hủy diệt hàng loạt" về kinh tế.
Mỹ đã kích nổ loại "vũ khí" này đối với Nga vào tháng 2 sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Điều này đã làm đóng băng khoảng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga và phá hoại sâu sắc giá trị của đồng rúp. Mỹ đã trừng phạt Nga mà không cần để quân đội của mình tham chiến.
Nhưng sức mạnh to lớn đi kèm với trách nhiệm lớn lao, khi "vũ khí hủy diệt hàng loạt" xuất hiện, kể cả là trong lĩnh vực kinh tế, tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ hoảng loạn. Để bảo vệ mình tránh khỏi số phận tương tự như Nga, các quốc gia khác đã đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ từ đồng USD sang các loại tiền tệ khác. Khi đó, tình trạng tiền tệ dự trữ của đất nước có thể gặp vấn đề.
Michael Hartnett, một chiến lược gia của Bank of America, cho biết việc vũ khí hóa đồng USD có thể khiến đồng tiền này bị suy yếu. Bên cạnh đó, ông nói thêm rằng việc "chia phe các hệ thống tài chính toàn cầu" có thể làm xói mòn vai trò đồng tiền dự trữ.
Một tài liệu nghiên cứu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy tỷ trọng dự trữ quốc tế của đồng USD đã giảm trong hai thập kỷ qua, cũng trùng với thời điểm Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố và đưa ra các biện pháp trừng phạt cho vấn đề này. Kể từ đó, một phần tư dự trữ đã chuyển từ đồng USD sang nhân dân tệ của Trung Quốc, và ba phần tư còn lại chuyển sang tiền tệ của các quốc gia nhỏ hơn. Cả Nga và Trung Quốc đều hy vọng một hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế sẽ được phát triển.
Vào hôm 31/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa "khóa van", ngừng xuất khẩu khí đốt sang các quốc gia không thân thiện không chịu thanh toán bằng đồng rúp. Khoảng 40% khí đốt và 30% dầu của Liên minh châu Âu đến từ Nga, hiện tại họ không có lựa chọn thay thế nào. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út đang đàm phán với Bắc Kinh về việc bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ thay vì USD.
Đồng USD sắp bị "truất ngôi"?
Hai năm qua đã dạy chúng ta một điều rằng không gì là không thể, nhưng viễn cảnh Mỹ mất đi đặc quyền nói trên rất khó xảy ra. Lúc nào cũng vậy, các lựa chọn thay thế không bao giờ là lựa chọn tối ưu. Trung Quốc đã dốc toàn lực phát triển đồng Nhân dân tệ trong nhiều năm nhưng chỉ có khoảng 3% giao dịch toàn cầu được thực hiện bằng đồng tiền này, trong khi đồng USD là 40%.
Mỹ vẫn nắm giữ cuộc chơi trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ là thị trường chứng khoán lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thế giới, nguồn tiền mặt quốc tế đang đổ vào Mỹ chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu tăng 77% lên 1,65 nghìn tỷ USD vào năm 2021, trong khi đầu tư vào Mỹ tăng 114% lên 323 tỷ USD.
Tạm biệt quý I, chào quý II!
Quý đầu tiên của năm 2022 đã kết thúc trong sự bấp bênh khi các chỉ số chứng khoán chính cho thấy kết quả kém nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Việc lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất đã tạo ra một loạt thách thức cho các nhà đầu tư.
Những thách thức đó có thể sẽ tiếp tục trong quý II. Các nhà phân tích đã đưa ra một số dự đoán những "chấn động" thị trường trên toàn thế giới. Tình trạng bất ổn địa chính trị đã gây ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng, hàng hóa, và thậm chí là các vấn đề an ninh lương thực.
Josh Leonardi, giám đốc của TD Securities thuộc Canada, cho biết công ty đang tìm kiếm các thị trường hàng hóa cung cấp các sản phẩm thô để đối phó với các động thái của Nga. Khoảng 1/4 nguồn cung lúa mì trên thế giới đến từ Nga và Ukraine. Các hợp đồng tương lai sẽ trở nên ngày càng đắt đỏ vì nguồn cung trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn không đổi.
Bên cạnh đó, Mỹ hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua, do đó, đã đến lúc chuyển sang tài sản thực như một hàng rào chống lại lạm phát. Điều này bao gồm hàng hóa, bất động sản, đất đai, thiết bị và tài nguyên thiên nhiên. Ông Leonardi cho biết: "Mối quan tâm đến đầu tư bất động sản đang bùng nổ".
Liz Anne Sonders, giám đốc điều hành và chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab, cho biết Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ chưa tăng lãi suất trong tương lai gần. Có quan điểm cho rằng sự suy yếu của thị trường sẽ khiến Fed ngừng tăng lãi suất và thắt chặt chính sách, thậm chí có thể đảo ngược và nới lỏng. Vì lạm phát đã nằm ngoài tầm kiểm soát, nên điều đó sẽ không xảy ra vào khoảng thời gian này, ông Sonders phân tích.