Tình trạng sốt đất ở một số địa phương và nguy cơ bong bóng bất động sản nhận được sự quan tâm của báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/4.
Trả lời, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường, cho rằng một trong số nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chọn đất đai, vàng... làm kênh đầu tư, trú ẩn tài sản là dịch hai năm qua làm đứt gãy các chuỗi cung ứng trong nước, toàn cầu, ảnh hưởng tới đầu tư, sản xuất.
Nhưng không ít nhà đầu tư tận dụng giai đoạn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để mua gom, phân lô bán nền không đúng quy định để thu lời bất chính. Ngoài ra, một số nơi thực hiện chưa nghiêm các phiên đấu giá.
"Có hiện tượng để lộ thông tin, sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá và người tham gia...", ông Thành nói.
Hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương, theo Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường, đã làm mất đi ưu thế thu hút vốn đầu tư, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, ông cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó quy định cụ thể hơn về đấu giá tài sản quyền sử dụng đất.
Tình trạng sốt giá đất dự án, đất nền xảy ra từ đầu năm ngoái tại một số tỉnh, thành như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, hay Thanh Hoá, Nghệ An... nhưng tới giữa năm thì hạ nhiệt sau sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, cuối năm ngoái và đầu năm nay, sốt đất quay trở lại ở một số địa phương.
Sốt đất tái xuất bất chấp việc cơ quan chức năng đã có nhiều đoàn kiểm tra tại các địa phương để quản lý tốt hơn hoạt động đấu giá đất, ngăn sự bất thường giá đất vừa qua.
Các địa phương cũng liên tục được đề nghị quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là loại hình thành trong tương lai; việc chuyển nhượng dự án... Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến cáo địa phương thực hiện nghiêm chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý chặt việc tách thửa... Việc này nhằm giúp thu thuế bất động sản, kiểm soát giao dịch ảo giá đất, bất động sản.
Liên quan tới việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc này để tránh khoảng trống pháp lý trong thời gian cơ quan quản lý nghiên cứu xây dựng một luật riêng về xử lý nợ xấu nền kinh tế, không riêng lĩnh vực ngân hàng. "Nếu không kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, sẽ không có cơ sở pháp lý xử lý các khoản nợ xấu", ông Tú thông tin.
Sau 5 năm xử lý thực hiện Nghị quyết 42, 380.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được Chính phủ chấp thuận việc gia hạn này. Tới đây, cấp có thẩm quyền sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, để trình Quốc hội.
Về tăng trưởng tín dụng, theo Phó thống đốc, ba tháng đầu năm ghi nhận mức tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 5,04%. Điều này cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình đã khôi phục trở lại. Tuỳ thuộc tình hình thực tế từ nay tới cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng để phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô, và lạm phát.