Làng Masouleh được thành lập khoảng năm 1006 sau Công nguyên, từng nằm trên “Con đường tơ lụa” của vùng Gilan. Do sở hữu nhiều mỏ sắt, kẽm và thạch anh ở khu vực xung quanh nên nơi đây từng là trung tâm thương mại thịnh vượng nhờ vào ngành công nghiệp đồ sắt. Trong nhiều thế kỷ, mọi người từ khắp nơi đến khu vực này để giao thương buôn bán.
Nằm dọc theo Con đường Tơ lụa, ở tỉnh Gilan của Iran, làng Masuleh là một trong những địa điểm đẹp như tranh vẽ của Iran với cây cối tươi tốt và những ngôi nhà sừng sững trong sương mù, xếp chồng lên nhau.
Được thiết kế phù hợp với khí hậu địa phương, những ngôi nhà trong ngôi làng trên sườn núi dốc được sơn màu vàng sáng để đảm bảo rằng chúng có thể nhìn thấy qua sương mù.
Masouleh mang lối kiến trúc đặc trưng, thể hiện sự thích ứng đặc biệt của người Iran xưa với điều kiện tự nhiên ở đây. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè quá nóng trong khi mùa đông quá lạnh giá, những người Iran bản địa xưa kia thường dựa vào các sườn núi để lập làng, lợi dụng luôn vách núi làm nơi chắn nắng, gió. Để thích ứng với địa hình dốc lớn, người dân Masouleh đã xây nhà theo lối bậc thang với phần mái nhà của nhà dưới là sân và đường đi của dãy nhà phía trên. Những ngôi nhà trong làng thường có 2 tầng, được xây dựng từ đất sét và gỗ và san sát bên sườn núi có độ dốc cao. Cấu trúc xây dựng có một không hai, sân nhà này là mái căn hộ khác, góp phần tạo sức hút để du khách ghé thăm vùng đất này.
Kiến trúc của Masuleh rất độc đáo, vì các tòa nhà ở đây được xây dựng vào núi và được kết nối với nhau. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả là cách sử dụng không gian công cộng một cách khéo léo của ngôi làng: không có ranh giới rõ ràng và tất cả các mái nhà đều được dùng làm sân, vườn và lối đi công cộng cho cư dân ở tầng trên. Các mái nhà, sân thượng được liên kết với nhau bằng những cầu thang dốc quanh co, ngõ hẹp và lối đi, khiến nơi đây trở thành một không gian công cộng đa tầng, liên kết với nhau mà cả cộng đồng cùng chia sẻ.
Mặc dù các cầu thang đều được trang bị đường dốc, nhưng chức năng duy nhất của chúng là để chứa những chiếc xe cút kít mà người dân địa phương sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Vì chỉ toàn những con phố nhỏ và nhiều cầu thang đơn giản nên người dân ở đây không thể dùng xe vận tải nặng để di chuyển, Masuleh thực sự là khu định cư duy nhất của Iran cấm ô tô di chuyển.
Kiến trúc ngoạn mục của Masuleh được gọi là "sân của tòa nhà bên trên là mái của tòa nhà bên dưới". Các tòa nhà chủ yếu là hai tầng (tầng 1 và tầng trệt) được làm bằng gạch nung, đất sét và thân cây. Ở tầng 1, bạn thường thấy một phòng khách nhỏ, phòng ngủ, nhà vệ sinh và ban công. Ở tầng dưới sẽ là không gian của nhà bếp được kết nối với tầng trên bằng một số bậc thang hẹp bên trong tòa nhà.
Ngôi làng được một lượng khách du lịch đến thăm ngày càng tăng hàng năm, ngôi làng Masuleh đã có lịch sử hàng nghìn năm tuổi và đang được lập hồ sơ để trở thành Di sản Thế giới của UNESCO.
Kiểu kiến trúc phân cấp, nhiều tầng bậc kỳ lạ đã làm nên nét riêng của ngôi làng. Những mái nhà bằng không chỉ trở thành sân, vườn mà còn được sử dụng làm đường phố công cộng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Lối kiến trúc này vừa giúp tiết kiệm được không gian, vừa có thể chống được tình trạng sạt lở đất, cũng như tạo ra sự bền vững đã được chứng minh qua hàng thế kỷ của những ngôi nhà ở đây, dù vật liệu làm ra chúng chỉ là đất sét, đá và gỗ. Masouleh được du khách đặc biệt ưa thích bởi nó tọa lạc giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, cây cối xanh tươi, mùa hè rất mát mẻ, dễ chịu, mùa đông không quá lạnh. Mỗi ngôi nhà ở đây đều sở hữu khung cửa lớn với những ô cửa sổ nhiều màu sắc và được trồng hoa rất xinh xắn.
Ở Chaharmahal và tỉnh Bakhtiari của Iran, có một quần thể núi tên là Sar Aqa Seyyed có kiến trúc rất giống nhau. Được đặt theo tên của ngôi đền Aqa Seyyed ở địa phương, nơi này được biết đến với kiến trúc khác thường, với các tòa nhà nối liền nhau được xây dựng vào ngọn núi xung quanh. Ở đây cũng vậy, mái của các tòa nhà đóng vai trò là sân và đường phố của các tòa nhà bên trên. Tuy nhiên, ở Sar Aqa Seyyed hầu hết các ngôi nhà đều không có cửa sổ và chỉ có một cửa ra vào.
Vì sự tương đồng về kiến trúc, ngôi làng này còn được gọi là "Masuleh của Zagros".
Rõ ràng, một trong những lý do khiến thị trấn này ít được biết đến là vị trí địa lý của nó. Sar Aqa Seyyed nằm ở độ cao khoảng 2.200 mét so với mực nước biển. Trên thực tế, thị trấn không có đường kết nối với các thị trấn xung quanh, do lượng mưa và tuyết lớn vào mùa thu và mùa đông, nên nó dường như bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Vì vậy, ngôi làng chỉ có thể được đến thăm vào mùa xuân và mùa hè, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết theo mùa.
Nguồn: Earthlymission