Tuần qua, thông tin chủ tịch tập đoàn bất động sản lớn bị bắt tạm giam liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp kéo theo tâm lý hoảng loạn của không ít nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và những doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn đã bị bán mạnh.
VN-Index từ 1.035 điểm của tuần trước đã chạm mức thấp nhất tại 998 điểm, sau đó đã hồi phục nhờ lực mua vào khi mức định giá cổ phiếu được đánh giá phù hợp. Chỉ số đã tăng điểm liên tiếp trong 3 phiên cuối tuần, hồi phục gần 60 điểm từ đáy và so với tuần trước VN-Index đã tăng 25,94 điểm (2,5%).
Phiên giao dịch cuối tuần, giao dịch của các nhóm đầu tư tiếp tục phân hoá (thống kê: FiinTrade)
Thống kê của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho thấy, ngân hàng là nhóm đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 5 mã trong top 10, trong đó BID và CTG có mặt trong top 3. Tổng cộng 5 mã ngân hàng đã giúp VN-Index tăng 13,2 điểm trong tuần.
Dù thanh khoản xuống mức thấp nhất 2 năm nhưng xu hướng tăng giá trở lại của thị trường khá tích cực với nhiều nhóm cổ phiếu phục hồi mạnh kể từ đáy như: Hóa chất, thủy sản, bán lẻ, thép, dầu khí, chứng khoán, ngân hàng…
Khối ngoại cũng mạnh tay giải ngân trong tuần qua khi mua ròng nhiều nhất kể từ đầu năm.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán MB (MBS), sau khi bán ròng 7 tuần liên tiếp, khối ngoại đã quay lại mua ròng 2.760 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Từ 7/10, khối ngoại mua ròng liên tục 6 phiên giao dịch (thống kê: FireAnt)
Với quán tính tăng hiện tại, nhóm phân tích của MBS nhận định, khả năng thị trường sẽ tiếp tục duy trì xu hướng phục hồi khi vượt vùng cận trên của khoảng trống giá giảm ở ngưỡng 1.073 điểm.
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, với việc đóng cửa tuần ở vùng gần cao nhất, trạng thái thị trường đang khá tích cực và mở ra cơ hội tạo đáy và hồi phục.
"Thị trường tuần qua dường như đã hình thành vùng đáy 1 và theo chúng tôi có thể có những nhịp giảm trở lại hình thành vùng đáy 2 ở đầu tuần tới trước khi kỳ vọng tạo ra mẫu hình đáy W trong tuần tới" - TVSI nhận định.
Doanh nghiệp dần hé lộ kết quả kinh doanh quý III
Theo thống kê của FiinTrade, tính đến ngày 14/10, đã có 57/1.699 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 11,9% tổng giá trị vốn hóa 3 sàn) đưa ra ước tính hoặc báo cáo chính thức về kết quả kinh doanh quý III/2022.
Ước tính sơ bộ cho thấy, nhờ nền so sánh thấp, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của hầu hết các doanh nghiệp và ngân hàng này tăng trưởng cao (45,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận tăng tốc ở nhóm ngân hàng, dược phẩm, thực phẩm, điện. Với nhóm vốn hoá lớn nhất thị trường - ngân hàng, 7/27 nhà băng đã đưa ra ước tính lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ (+70,3%). So với quý trước, mức lợi nhuận tăng trưởng 5,8%. MBB, STB, và SHB có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung với động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ hoạt động tín dụng.
Ngược lại, lợi nhuận giảm tốc ở phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm khí đốt, logistics - vận tải thủy, nước, phân bón, xây dựng - vật liệu hay thậm chí báo lỗ ở một số doanh nghiệp nhóm thép.