Một nghiên cứu của Đại học Vienna (Áo) vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng những người ăn nhiều muối có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 41% so với những người ăn với lượng vừa phải. Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí y học Gastric Cancer.
Vì sao ăn nhiều muối lại có thể dẫn tới ung thư dạ dày?
Các nghiên cứu trước đây ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chỉ ra ăn quá mặn có liên quan tới bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Vienna là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ này ở phương Tây.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu của 471.144 người trưởng thành ở Vương quốc Anh. Sau đó, họ phát hiện ra trong khoảng thời gian 11 năm, những người ăn nhiều muối có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 41% so với những người ăn với lượng vừa phải.
Nguyên nhân vì sao ăn nhiều muối lại có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày đã được các nghiên cứu trước đó giải thích rõ ràng. Cụ thể, ăn quá nhiều muối có thể làm mòn lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày, gây tổn thương các mô dạ dày và từ đó dẫn tới ung thư.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, một người trưởng thành không nên ăn quá 2.300mg natri (tương đương khoảng 1 thìa cà phê muối) mỗi ngày. Thế nhưng, nhiều người có thói quen ăn nhiều hơn mức đó. FDA dẫn chứng, lượng natri trung bình mà một người Mỹ tiêu thụ mỗi ngày là khoảng 3.400 mg, nhiều hơn rất nhiều so với mức được khuyến nghị.
Trên thực tế, có nhiều món ăn chứa nhiều muối hơn chúng ta có thể cảm nhận. Nhưng theo thói quen, nhiều người khi ăn vẫn rắc thêm muối để tăng hương vị.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, uống rượu và hút thuốc lá đã được chứng minh là 2 yếu tố góp phần đáng kể vào nguy cơ phát triển ung thư dạ dày. Cơ quan này dự đoán, trong năm 2024, sẽ có khoảng 26.890 người Mỹ được chẩn đoán mắc mới ung thư dạ dày và khoảng 10.880 người tử vong do căn bệnh này.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm sẽ có tỷ lệ sống sót cao hơn. Thế nhưng, nếu phát hiện khi ung thư đã lan rộng, tỷ lệ sống sót chỉ còn 35%. Một điều đáng lo ngại đó là nhiều triệu chứng của bệnh lại dễ dàng bị bỏ qua.
Một số triệu chứng ban đầu của bệnh gồm đầy hơi, khó chịu ở dạ dày và khó tiêu. Tất cả những triệu chứng này đều có thể xuất hiện sau khi bạn ăn một bữa ăn có món quá cay hoặc một bữa ăn quá nhiều chất. Chính vì thế, giáo sư Tilman Kühn của Đại học Vienna cho rằng, nghiên cứu của họ muốn người dân chú ý tới lượng muối mà mình tiêu thụ mỗi ngày và nhận thức được nguy cơ ung thư từ việc tiêu thụ quá nhiều loại gia vị này.