Kỹ năng sống

Nghề việc nặng, áp lực cao nhưng vẫn được mệnh danh là "công việc được thèm muốn nhất trên thế giới"

Từ những trận bạo lực, lương thấp, cho đến việc hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ do ảnh hưởng đại dịch Covid trong 2 năm vừa qua, chúng cho thấy nghề tiếp viên hàng không khác hoàn toàn với khuôn mẫu hào nhoáng được khắc họa trong nền văn hóa đại chúng.

Tuy nhiên, bất chấp thực trạng trên, các hãng vẫn nhận được hàng nghìn đơn ứng tuyển mỗi khi có đợt tuyển dụng mới.

Tiếp viên hàng không đâu chỉ có màu hồng

Susannah Carr (31 tuổi) gia nhập ngành tiếp viên hàng không từ năm 2015. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch, cô nghỉ việc và trở thành nhà tư vấn cho cô dâu. Đến năm 2021, cô quyết định trở lại bầu trời.

Song, cô thừa nhận "cảm thấy lo lắng khi đi làm" bởi cô chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình bị hành khách đối xử tệ hại.

Chẳng hạn, đầu năm 2021, một hành khách trên chuyến bay của hãng Southwest Airlines đã hành hung một tiếp viên hàng không, làm gãy 2 chiếc răng của cô gái.

Tháng 10 cùng năm, một người đàn ông đấm gãy xương mặt của tiếp viên hàng không trên chuyến bay hãng American Airlines.

 Nghề việc nặng, áp lực cao nhưng vẫn được mệnh danh là công việc được thèm muốn nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Nữ tiếp viên bị đánh gãy 2 cái răng vì nhắc hành khách đeo khẩu trang

Tháng trước, một vụ bạo lực khác lại xảy ra. Lần này, một nam hành khách đấm vào sau đầu của một tiếp viên hàng không hãng American Airlines.

Không chỉ nguy hiểm, tiếp viên hàng không cũng không hề có mức lương đáng mơ ước như chúng ta thường nghĩ.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức lương trung bình của tiếp viên hàng không vào giữa năm 2021 là 61.640 USD /năm. Trong khi nhóm 10% người có lương thấp nhất kiếm được ít hơn 37.020 USD /năm, nhóm 10% người có lương cao nhất thu về hơn 81.400 USD /năm.

Nhưng nhìn chung, mức lương khởi điểm thấp. Thậm chí, nó còn thấp hơn nữa đối với các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ trong khu vực.

Ngoài ra, những tiếp viên hàng không mới vào nghề có rất ít quyền kiểm soát lịch trình của mình. Nas Lewis, cựu tiếp viên hàng không có 9 năm kinh nghiệm, nói rằng rất nhiều nhân viên mới nghĩ rằng công việc sẽ tuyệt vời.

"Nhưng họ nhanh chóng bị sốc văn hóa khi nhận ra không còn thời gian cho cuộc sống riêng. Rồi họ tư vấn rằng 'Liệu tôi có thực sự yêu thích nghề này tới mức sẽ kiên trì theo đuổi đến khi có đủ thâm niên?'", cô chia sẻ.

Sara Nelson, Chủ tịch Quốc tế Hiệp hội Tiếp viên Hàng không (AFA) cho biết, trong năm đầu tiên, các tiếp viên sẽ gặp nhiều thách thức khi phải thích nghi nhu cầu thể chất của công việc, bao gồm làm quen với áp suất không khí trong cabin, các bệnh về tai trong, say máy bay và bệnh về đường hô hấp.

Ngay cả với những người dày dặn kinh nghiệm cũng có khó khăn riêng.

Hàng nghìn tiếp viên hàng không, bao gồm Carr, đã đình công vào tuần trước nhằm yêu cầu các hãng hàng không giải quyết tình trạng gián đoạn hoạt động.

 Nghề việc nặng, áp lực cao nhưng vẫn được mệnh danh là công việc được thèm muốn nhất trên thế giới - Ảnh 2.

Nghề tiếp viên hàng không đối mặt với không ít rủi ro

Tình trạng thiếu hụt nhân sự đồng nghĩa rằng một số tiếp viên phải đợi rất lâu mới được sắp xếp chỗ ngủ, cắt giảm thời gian nghỉ ngơi của họ trước khi trở lại ca làm việc.

Hơn nữa, tiếp viên hàng không cần phải có "da mặt dày", bởi họ thường là người hứng chịu hậu quả khi hãng hàng không chủ quản gây lỗi lầm và khiến một hành khách không hài lòng với dịch vụ.

Mặt khác, nỗi cô đơn có thể trở thành một vấn đề lớn bởi các tiếp viên hàng không sẽ phải sống xa gia đình và bạn bè thời gian dài.

Vẫn có hàng nghìn lá đơn xin ứng tuyển

Dù tồn tại nhiều mặt trái trong nghề nhưng các hãng hàng không nói rằng họ nhận được rất nhiều sự quan tâm mỗi khi có đợt tuyển dụng. Thậm chí, còn cao hơn thời điểm trước đại dịch.

Thực tế là trở thành tiếp viên hàng không của hãng Delta Air Lines còn khó hơn vào ĐH Harvard - nơi có tỷ lệ trúng tuyển khoảng 3,2% trong năm nay.

Hãng này thậm chí mở chương trình đào tạo tiếp viên hàng không chuyên biệt, và gọi nghề này là "công việc được thèm muốn nhất trên thế giới".

Theo Washington Post, có nhiều lý do để nhiều người vẫn ham muốn công việc này.

Các tiếp viên hàng không nói rằng họ yêu thích việc được gặp gỡ mọi người và không phải ngày đi làm nào của họ cũng giống nhau. Ngoài ra, được đặt chân đến những địa điểm mới, ngay cả khi chỉ trong thời gian ngắn, cũng là một điểm cộng lớn.

Nói về sức hút của nghề, bà Sara Nelson cho biết, công việc này trao quyền cho nhân viên.

"Khi bạn ở trên đó, đó là máy bay của bạn. Bạn được tự thiết lập bầu không khí làm việc, không lo rằng quản lý kè kè bên cạnh. Bạn mặc đồng phục thể hiện sự lãnh đạo", bà nói.

 Nghề việc nặng, áp lực cao nhưng vẫn được mệnh danh là công việc được thèm muốn nhất trên thế giới - Ảnh 3.

Tiếp viên hàng không vẫn là nghề được thèm muốn nhất trên thế giới

Một đặc quyền khác là các tiếp viên hàng không thường được bay miễn phí ngay cả khi không làm việc. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào tình trạng chỗ ngồi của chuyến bay đó.

Bên cạnh đó, một tiếp viên hàng không có thâm niên trong nghề sẽ có một số đặc quyền nhất định. Họ có thể chọn làm thêm hoặc ít giờ hơn tùy nhu cầu, đồng thời có tiếng nói hơn về việc chọn thời gian và địa điểm bay.

Lewis, người thành lập tổ chức vì sức khỏe tâm thần của các tiếp viên hàng không Thairapy, cho biết nhiều nhân viên mới phàn nàn về tình trạng kiệt sức và trầm cảm nhưng cô vẫn yêu công việc này.

"Tôi vẫn thích làm tiếp viên hàng không, tôi mến mọi người. Tôi nghĩ rằng nhiều đồng nghiệp cũng yêu thích việc cung cấp dịch vụ, những địa điểm hạ cánh và cả tính linh hoạt trong công việc. Dù nghề tiếp viên hàng không đang gặp nhiều khó khăn, chúng tôi hy vọng rằng rồi mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn", cô bày tỏ.

Nguồn: Washingtonpost


Cùng chuyên mục

Đọc thêm