Thượng Hải (Trung Quốc) có một công viên xem mắt rất nổi tiếng. Nhiều người đến đây giới thiệu bản thân, siêng thì rao bằng miệng, mệt rồi thì cầm tấm bảng ghi lại thông tin cá nhân và điều kiện tìm kiếm bạn đời để ai có nhu cầu tham khảo.
Có ông bố bà mẹ đến tìm vợ, tìm chồng cho con. Có người đàn ông trung niên cố tìm cho mình người vợ phù hợp với khả năng kinh tế để chuẩn bị tiền thách cưới…
Gần đây, có một nghề mới được sinh ra tại công viên xem mắt này. Đó chính là nghề mai mối dạo. Họ hoạt động thường xuyên và đông đến mức ban quản lý đô thị phải can thiệp kiểm soát trật tự.
Ông tơ bà nguyệt trong công viên xem mắt
Bà Trần kể lại rằng bà đã gặp người mai mối ở lối vào công viên.
"Họ giới thiệu với tôi cách họ lưu thông tin mai mối và hứa sẽ cung cấp dịch vụ ba tháng cũng như giới thiệu những cuộc xem mắt phù hợp".
Xem xét độ tuổi của con mình, bà Trần không suy nghĩ nhiều và sẵn sàng chuyển 300 NDT (hơn 1 triệu đồng) cho bên kia thông qua WeChat, đồng thời để lại thông tin cá nhân. Tuy nhiên, đã hơn một tháng trôi qua bà không nhận được một cuộc gọi nào.
"Tôi đã liên hệ với bên kia trên WeChat và người ta nói rằng đang vào mùa ít cưới hỏi nên quá ít đối tượng. Khi yêu cầu hoàn lại tiền, người tai lại giới thiệu cho tôi người hoàn toàn không phù hợp, sau đó lặn mất tăm".
Phóng viên địa phương đã đến công viên xem mắt để tìm hiểu thêm. 10 giờ sáng, khi cơn mưa lớn đã tạnh, các cô các chú nóng lòng quay lại những sạp hàng mai mối: Những tờ rơi thông tin giới thiệu với nhiều màu sắc xếp thẳng hàng trên nền đất, hoặc đặt trên ghế đẩu. Người qua đường dừng lại một chút, các ông tơ bà nguyệt lập tức đứng dậy hỏi thăm, quả thực rất náo nhiệt.
Tuy nhiên, ngoài sự “giúp đỡ thân thiện”, trong công viên xem mắt còn có rất nhiều khoản phải trả phí.
Một ông già đang ngồi trên bậc thềm, nhìn thấy mối làm ăn có tiềm năng đang đến trước mắt, ông trực tiếp báo giá: “100 tệ một tháng, gói 3 tháng”. Ông nói mình đang cung cấp dịch vụ lưu trữ thông tin cho người khác: “Nếu không có thời gian đến đây ,mà vẫn muốn tìm vợ chồng cho con thì có thể liên lạc với tôi. Nếu thấy ai đó phù hợp yêu cầu, tôi sẽ chủ động liên hệ".
Tại công viên, có rất nhiều người cung cấp dịch vụ tương tự. Có người trực tiếp đưa ra giá cả dịch vụ, có người muốn làm một bà mối thực chất, chỉ lấy tiền bằng hồng bao, giá trị bên trong tùy tâm, nhưng có lẽ phải trên một ngưỡng mà ai cũng tự hiểu.
Những chiêu trò phía sau
Trong chuyến tham quan công viên xem mắt, phóng viên nhận thấy ngoài những “bà mối dạo” chỉ cung cấp dịch vụ lưu giữ, cung cấp thông tin và ghép đôi, còn có nhiều “tổ chức” mai mối chuyên nghiệp đang hoạt động trong công viên.
Khi phóng viên đang đi trong đám đông, một bà cô tiến đến bắt chuyện: "Cô gái, đến đây, đăng ký thông tin, thêm bạn WeChat, tôi sẽ giới thiệu người phù hợp cho cô". Người này đưa ra một tờ rơi in sẵn, nói: "Chúng tôi là công ty mai mối chính chuyên, có cơ sở dữ liệu thông tin đặc biệt, nếu muốn sử dụng dịch vụ mai mối của chúng tôi, hãy đến công ty ký hợp đồng".
Dưới sức mạnh của mạng xã hội, công viên xem mắt tồn tại hàng chục năm nay đã trở nên “hot” hơn bao giờ hết.
Một ông bố đến tìm người mai mối cho con trai tiết lộ lý do: "Một số nền tảng trực tuyến chứa rất nhiều thông tin sai sự thật. Kiểu gặp mặt trực tiếp với phụ huynh ở đây tương đối đáng tin cậy".
Vì số lượng người đến công viên này ngày càng đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng mất trật tự. Cư dân xung quanh đã báo cáo ban quản lý đô thị, và nhận được câu trả lời: Công viên mai mối là do người dân tự tổ chức. Song nếu có hoạt động giao dịch thành tiền ở đây, chúng tôi sẽ xử lý, để đảm bảo trật tự và an toàn du lịch.
"Hãy cẩn thận, tình hình ở đây rất phức tạp. Đừng tùy tiện tiết lộ thông tin của mình, hoặc cẩn thận thông tin bị bán lại". Nhìn thấy các phóng viên đang lảng vảng trong công viên xem mắt, nhân viên bảo vệ ở cửa cảnh báo, đồng thời nói thêm về những gì ông biết về nghề mai mối ở đây: “Nếu các anh chị thấy thông tin của một người xuất hiện ở nhiều sạp hàng thì chắc chắn người đó đã sử dụng nhiều dịch vụ mai mối dạo cùng lúc. Nhưng phải thật sự cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân của mình cho người khác”.
Phóng viên ghi nhận vào cuối năm 2023, Thượng Hải có một vụ lừa đảo dưới danh nghĩa hôn nhân và tình yêu. Bà Trương đã bị lừa 520.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) vì tin lời một người đàn ông tự xưng là "phó chủ tịch công ty" khi đang tìm chồng cho con gái mình ở công viên hẹn hò.
Vụ việc trên là lời nhắc nhở rằng khi tìm kiếm bạn đời cho con cái hoặc cho chính mình, phải cảnh giác và tìm hiểu rõ hơn về nội dung dịch vụ mai mối trước khi quyết định trả tiền, một khi phát hiện mình bị lừa thì nên xử lý thích đáng, giữ lại chứng từ chuyển tiền, lịch sử trò chuyện cùng các bằng chứng khác và báo cáo cơ quan cảnh sát kịp thời.
Nguồn: The Paper