Theo thông tin từ Hiệp hội Sữa, trong hai năm 2020 và 2021, mặc dù khó khăn vì dịch bệnh, nhưng doanh thu thị trường sữa Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 113.700 tỷ đồng và năm 2021 ước đạt 119.300 tỷ đồng. Quy mô hơn 5 tỷ USD của ngành sữa vẫn đang thu hút những nhà đầu tư mới, đặc biệt là tại phân khúc cao cấp.
Báo cáo ngành sữa mới đây của Chứng khoán VNDirect ghi nhận, thu nhập và nhận thức về chăm sóc sức khoẻ của người tiêu dùng thành thị cao hơn sẽ làm tăng nhu cầu về các loại sản phẩm cao cấp hơn. Trong đó, 3 công ty lớn trong ngành là Vinamilk, FrieslandCampina và TH Food Chain đều đã sớm tung sản phẩm hữu cơ nhằm khai thác phân khúc này.
Được biết, 3 đơn vị trên hiện đang chiếm đâu đó 70% thị phần sữa Việt Nam, trong đó Vinamilk dẫn đầu với 40%, FrieslandCampina 18% và TH Food chiếm 11%. Ngoài ra, thương hiệu Vinasoy của Công ty Đường Quảng Ngãi cũng nắm tỷ lệ đáng kể 7%, với phân khúc chủ đạo là sữa hạt.
Mới đây, thị trường sữa ghi nhận một tên tuổi mới. Theo đó, Ausnutria đã chỉ định Công ty New Retail CPG - thành viên của Seedcom - là đối tác chiến lược trong việc kinh doanh phát triển cho dòng sản phẩm dinh dưỡng công thức từ sữa dê nhãn hiệu Kabrita tại Việt Nam.
New Retail CPG cũng ký kết các hợp tác chiến lược với Con Cưng để phân phối chính ngạch các sản phẩm dinh dưỡng từ các thương hiệu quốc tế về Việt Nam. Theo đó, sản phẩm sữa dê Kabrita có mặt trên các kệ hàng từ ngày 1/8/2022 tại hệ thống Con Cưng, các siêu thị, cửa hàng và nhà thuốc trên toàn quốc.
Theo giới thiệu, sữa dê Kabrita có những đặc tính ưu việt như dịu nhẹ cho hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ mà chỉ sữa dê mới có được. So với các sản phẩm từ sữa bò, thì sản phẩm sữa dê có giá cao hơn hẳn, vì lượng sữa thu được từ dê ít hơn bò hàng chục lần. Nhưng bù lại, sữa dê có giá trị dinh dưỡng phù hợp trẻ có thể trạng dị ứng sữa bò.
Tại Việt Nam, sữa dê nhãn hiệu Kabrita bước đầu đã được người tiêu dùng đánh giá cao qua một số hàng xách tay từ nước ngoài, nhưng nguồn hàng không ổn định và khó tiếp cận.
Với việc hợp tác với Ausnutria Hà Lan, thông qua New Retail CPG, Seedcom cũng thể hiện rõ tham vọng làm cầu nối đưa các sản phẩm Việt Nam ra thế giới, đồng thời mang các sản phẩm hàng đầu trên thị trường quốc tế đến Việt Nam.
Được biết, New Retail CPG là đơn vị mới thành lập của Seedcom, sứ mệnh là sản xuất và phân phối các sản phẩm cà phê, trà thương hiệu The Coffee House, Tearoma và đang gặt hái các thành công trong thị trường bán lẻ, đặc biệt trong mảng bán lẻ thương mại điện tử.
Ausnutria vừa chỉ định Công ty New Retail CPG là đối tác chiến lược kih doanh sữa dê Kabrita tại Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi về động thái đáng chú ý này, đại diện New Retail CPG cho biết lợi thế Công ty là có một hệ thống phân phối rộng khắp, đặc biệt là kênh siêu thị, mẹ và bé; đó cũng là lý do Kabrita tin tưởng chỉ định làm nhà phân phối độc quyền tạit Nam.
Còn về thị trường, ngành sữa tại thị trường Việt Nam rất lớn, giá trị lên đến hàng tỷ USD/năm. Nhu cầu của người tiêu dùng về các loại sữa chất lượng cao luôn tăng trưởng và có nhiều thị trường ngách, tuy nhỏ nhưng khó bỏ qua.
"Với hệ sinh thái hiện tại cũng như khả năng phân phối của New Retail CPG, chúng tôi hi vọng sẽ thành công ở những ngách này của thị trường, từ đó mang lại những sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng", ông nói thêm.
Cần nói thêm, thương vụ lần này chỉ mới là phép thử thâm nhập thị trường, doanh thu theo đại diện vẫn chưa thể nói trước. Seedcom cũng nhấn mạnh chỉ chọn thị trường "super premium" - thị trường ngách nhưng rất tiềm năng, từ đó khả năng thành công sẽ cao hơn. Công ty hiện đang cân nhắc một số sản phẩm khác thời gian tới.
Mới nhảy vào thị trường, song Seedcom cũng sớm xác định mục tiêu là sẽ trở thành nhãn hiệu dẫn đầu trong phân khúc sữa dê và phát triển nhanh trong những năm tới. Mục tiêu chiếm 10% thị phần của phân khúc cao cấp vào năm 2025.
Dù vậy, thực tế với cuộc chơi ngành sữa đã bão hoà và phân vai vế, tham vọng của Seedcom có thể đối mặt với nhiều thử thách. Chưa kể, phân khúc cao cấp cũng đang là điểm đến đầy tham vọng của nhiều tên tuổi lớn như Vinamilk, TH Food… Bởi, với mô hình kinh tế chữ K trong và sau đại dịch, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng phân hoá sâu sắc. Trong khi một bộ phận đáng kể với thu nhập không ổn định và sức mua giảm sút, thì cũng có tập không nhỏ những người tiêu dùng với thu nhập cao, đòi hỏi sản phẩm và dịch vụ mang nhiều giá trị cao hơn.