Luật là một trong những ngành học luôn là ước mơ và khát khao của biết bao sĩ tử. Đặc biệt, khi ngày càng nhiều những ngành học mới xuất hiện, luật vẫn là ngành học luôn khẳng định vị trí “tường thành”. Những năm gần đây, điểm chuẩn các ngành luật của tất cả các trường đại học đều có dấu hiệu tăng mạnh.
Năm 2022, Đại học Luật Hà Nội công bố mức điểm chuẩn ngành luật cao nhất lên đến 29,5 - một con số gần như tuyệt đối. Mức điểm ấy đã càng khẳng định sức hút ngày càng tăng của ngành học này.
Môi trường học tập lý tưởng để phát triển toàn diện
Suốt những năm học tập, nghiên cứu trên giảng đường, sinh viên luôn phải chủ động tiếp thu kiến thức và phát triển những kỹ năng mềm. Đặc thù sẵn có của ngành luật luôn là môi trường hàng đầu hỗ trợ tốt cho tất cả các sinh viên không chỉ trau dồi kiến thức chuyên ngành mà còn rèn luyện những kỹ năng mềm thiết yếu.
Nghề Luật đòi hỏi người làm phải có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và đề cao tính tư duy logic, những hiểu biết về xã hội… Trong quá trình học và làm, ngành luật trau dồi cho chúng ta những kỹ năng cần thiết: tự tin thuyết trình, kỹ năng nghe và đàm phán, khả năng thuyết phục khách hàng, tư vấn, tạo niềm tin đối với khách hàng.
Nhờ việc tiếp xúc với các kiến thức chuyên ngành và thực hành giải quyết các vấn đề thực tiễn, các sinh viên ngành càng trở nên nhạy bén trong mọi tình huống, nhanh chóng tư duy và tổng hợp kiến thức, đưa ra các chứng cứ, lập luận hợp lý để bảo vệ quan điểm cá nhân, phản bác lại ý kiến của bên đang tranh cãi.
Cơ hội làm việc rộng mở, mức thu nhập đáng mơ ước
Luật luôn là một ngành nghề được xã hội coi trọng bởi nó đóng một vai trò quan trọng đời sống chính trị - pháp luật cũng như đời sống thường ngày, giúp duy trì ổn định xã hội. Vì vậy, ngành nghề này cũng hứa hẹn mức thu nhập cao tương xứng.
Ở những nước Châu Âu như Anh, Pháp, Đức… hay thậm chí ở Mỹ, ngành luật trong nhiều năm được đánh giá là ngành có mức thu nhập cao thứ 2 chỉ sau bác sĩ nha khoa. Hiện nay, dù trên thế giới đã xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề mới nhưng Luật vẫn là một trong những ngành có thu nhập cao, ổn định và nhiều cơ hội làm việc, thăng tiến trong tương lai.
Ở Việt Nam, cơ hội làm việc của ngành Luật ngày càng rộng mở, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, linh hoạt. Cử nhân ngành luật sẽ dễ dàng tìm thấy một cơ hội việc làm rộng mở ở trong các cơ quan nhà nước, hay các văn phòng công ty Luật. Thậm chí ở các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đều cần đến một nhà tư vấn luật, vì khi tham gia bất cứ hoạt động nào thì cần có pháp luật bảo vệ và điều chỉnh.
Sau khi tốt nghiệp, tuỳ vào chuyên ngành chính sinh viên theo học cũng như định hướng của bản thân, họ có thể làm việc tại các cơ quan như: Viện kiểm sát ( Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh - thành phố, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện - thị xã - thành phố); Cơ quan thi hành án, Làm việc tại Bộ tư pháp, Làm việc tại Bộ phận pháp chế.
Đặc biệt, trong xu hướng hội nhập hiện nay, Việt Nam chúng ta là một trong những nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất. Sinh viên ngành luật có cơ hội làm việc rộng mở với các công ty nước ngoài, giúp họ đảm bảo quá trình thi hành pháp luật tại nước ta. Vì vậy, kỹ năng ngoại ngữ là một trong những điểm cộng lớn giúp các luật sư nắm chắc cơ hội tăng thu nhập.
Trên thị trường pháp lý Việt Nam, mức lương trung bình của các luật sư được phân cấp theo độ dày kinh nghiệm thực tế và trình độ. Nếu từng xử lí, giải quyết những vụ án lớn nổi tiếng hoặc có thâm niên cao điều hành được các văn phòng luật sư thì thu nhập sẽ cao hơn những người chưa từng xử lí độc lập bất kì vụ kiện hay vụ án nào.
Mức lương cơ bản của một sinh viên luật vừa tốt nghiệp khoảng 4-6 triệu đồng/ tháng. Đối với những người có kinh nghiệm từ 3-5 năm, mức lương khoảng 6-10 triệu đồng/ tháng, 15-20 triệu đồng/ tháng là mức lương cho những người có kinh nghiệm từ 5-10 năm. Những người đã có kinh nghiệm trên 10 năm, mức lương có thể lên đến 50-80 triệu đồng/ tháng.
Người làm pháp chế tại các doanh nghiệp, thì trung bình tầm 15-20 triệu/tháng; lên các vị trí trưởng phòng, trưởng nhóm pháp chế lương sẽ ở mức 1000 - 2000 USD, giám đốc pháp chế khoảng 4000 - 5000 nghìn USD.
Ảnh chụp màn hình từ các trang tin tuyển dụng việc làm
Theo chị Hoàng Minh, một luật sư lâu năm: “Một luật sư có chuyên môn và năng lực thật sự có thu nhập rất cao so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, mức thu nhập đó đánh đổi bằng rất nhiều thời gian và nỗ lực học tập, nâng cao năng lực.
Sau khi ra trường, họ sẽ mất khoảng 3 năm để học và thi để có thể hành nghề luật sư. Sẽ phải học 1 năm tại Học viện tư pháp, sau đó tập sự 1 năm tại tổ chức hành nghề luật sư (Công ty, văn phòng luật). Kết thúc tập sự sẽ có 1 kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, thi đỗ thì tầm 3-6 tháng sau được cấp chứng chỉ hành nghề và chọn gia nhập Đoàn luật sư của một tỉnh thành nào đó để được cấp thẻ. Kỳ thi này được tổ chức 1 năm 2 lần, trong phạm vi toàn quốc (như thi đại học). Trường hợp thi không đỗ thì chờ thi lại ở các đợt sau hoặc tập sự lại nếu thi 3 lần không đỗ. Chính vì thế áp lực cũng khá cao.
Tuy nhiên, tùy theo năng lực và sự tận tụy của từng người, thời gian thành công với nghề luật sư có thể rút gọn. Các bạn sinh viên trong thời gian học tập nếu đã có kinh nghiệm thực tập tại các cơ quan luật sẽ có cơ hội đạt được mức thu nhập mơ ước sớm hơn rất nhiều”.
Học luật ở đâu?
Ngày càng nhiều các trường đại học mở thêm các khoa đào tạo về luật để đáp ứng nhu cầu lớn của toàn xã hội. Tuy nhiên, dưới đây là danh sách một số các trường đại học có truyền thống lâu đời và luôn khẳng định chất lượng về đào tạo luật tại Việt Nam.
Đại học Luật Hà Nội Trường
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội
Học viện Ngoại Giao Việt Nam
Đại học Kinh tế Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM
Đại học Luật – Đại học Huế
Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM