Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025), một nội dung được các nhà đầu tư quan tâm là khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ sẽ tác động ra sao đến các nhóm ngành ở Việt Nam, đặc biệt là nhóm ngành xuất khẩu lớn như dệt may.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Văn Thảo - Giám đốc Đầu tư CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, chính sách của ông Donald Trump thường nghiêng nhiều về việc đánh thuế hàng nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, gỗ, thủy sản.
Song, ông Đào Minh Châu - Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu Trung tâm Phân tích Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) lại cho rằng, ngành dệt may có thể được hưởng lợi trong thời gian tới.
“Trong năm sau tốc độ tăng trưởng ngành dệt may có thể chững lại một chút nhưng so với tương quan về định giá thì hiện nay P/E dự phóng cho năm sau đâu đó khoảng dưới 10 lần, tức thấp hơn trung bình của chỉ số, cũng như là nhóm ngành khác”, ông Đào Minh Châu chỉ ra.
Theo ông, hiện nay chính quyền của tổng thống Trump có thể áp thuế với hàng hóa Trung Quốc ở mức thuế cao hơn nhiều so với Việt Nam. Trung Quốc hiện nay đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong ngành dệt may tại thị trường Hoa Kỳ. Do đó, ngành dệt may sẽ có tiềm năng trong năm sau.
Còn theo quan điểm của bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối nghiên cứu CTCP Chứng khoán MB (MBS), bức tranh thương mại thế giới sẽ có sự chuyển dịch sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc. Khi ông Trump có nhiều khả năng trúng cử, các nhà bán lẻ cũng đã thúc đẩy đối tác tăng cường giao hàng sớm vì họ sợ áp thuế.
“Điều đó sẽ vẽ lại bức tranh thương mại thế giới không chảy được sang Mỹ sẽ chảy sang nước khác nên chúng ta phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Còn ở chiều ngược lại, các ngành sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này là cảng biển, năng lượng. Ngành dầu khí có thể gặp khó khi ông Trump muốn duy trì giá dầu thấp”, Bà Hiền phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia MBS còn chỉ ra một số ngành có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2025. Đầu tiên là bất động sản, bà Hiền cho rằng ngành này phục hồi vì nguồn cung cũng đang dần cải thiện nhờ pháp lý đang được tháo gỡ. Mặc dù thị trường chưa phục hồi mạnh nhưng cổ phiếu có thể phản ánh trước.
Thứ hai, đầu tư công cũng được đẩy mạnh trong năm sau và giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo bà, điều này có lợi cho ngành ngân hàng, xây dựng, nguyên liệu, vật liệu xây dựng.
Tiếp đến là câu chuyện phục hồi của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tung ra các chính sách hỗ trợ đã giúp giá một số mặt hàng tăng lên như cao su, théĐiều này có thể khiến một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này gặp bất lợi nhưng doanh nghiệp sản xuất thép, cao su lại tích cực.