Doanh nghiệp

Hanoi Metro chưa đủ nhân lực vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội

Hanoi Metro chưa đủ nhân lực vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội- Ảnh 1.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) khẩn trương tuyển dụng các nhân sự còn thiếu và bảo đảm năng lực của đội ngũ nhân sự trực tiếp tham gia vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội.

Hanoi Metro tăng cường lực lượng hỗ trợ tại chỗ, phối hợp kịp thời với nhà thầu và các đơn vị có liên quan để khi xảy ra sự cố, có thể khôi phục trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất.

Tăng cường phối hợp giữa các nhà thầu để bảo đảm mức độ phản ứng cao khi cần thiết.

Khẩn trương cập nhật, rà soát điều chỉnh quy trình vận hành, thường xuyên kiểm tra, tập huấn các trường hợp sự cố giả định để nâng cao độ thuần thục của nhân viên vận hành.

Trước ngày 25 hằng tháng, Hanoi Metro báo cáo về công tác vận hành, bảo đảm an toàn chạy tàu để Sở tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội – MRB (chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu UJV thay thế bộ chuyển nguồn 220VAC-110VDC tại tủ cầu dao cách ly từ xa RIS3 theo quy định bảo hành; bảo đảm không để xảy ra sự cố mất điện, báo cáo hoàn thành công việc trước ngày 15/11.

Trước đó, vào lúc 17h25 ngày 24/10, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã phải dừng tàu do sự cố kỹ thuật tại ga Cầu Giấy. Đến 18h15, sự cố được khắc phục, 6 lượt tàu chậm giờ và 8 lượt tàu phải hủy bỏ do sự cố.

Theo báo cáo của các bên liên quan, nguyên nhân sự cố đã được nhà thầu UJV phối hợp xác định trong thời gian 5 phút. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự cố, đơn vị vận hành không có nhân sự trực. Đội kỹ thuật của nhà thầu phải di chuyển từ depot đến ga số 5 với chiều dài 5km và mất 30 phút mới có thể tiếp cận phòng kỹ thuật ga số 5 để xử lý sự cố.

Về nguyên nhân chính, theo báo cáo của nhà thầu UJV, bộ chuyển nguồn 220VAC-110VDC tại tủ cầu dao cách ly từ xa (RIS3) ở ga Cầu Giấy gặp sự cố (đây là bộ chuyển nguồn tạm thời khi việc thi công đoạn ngầm chưa hoàn thành), dẫn đến tín hiệu từ tủ RIS3 về Trung tâm Điều khiển OCC bị mất. Vì vậy các trạm TRSS5, TRSS7 tự động cắt dẫn đến mất điện kéo tại phân đoạn 2 để bảo đảm an toàn cho thiết bị cũng như hành khách.

Hanoi Metro chưa đủ nhân lực vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội- Ảnh 2.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Hanoi Metro, năm ngoái, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13,1 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi đơn vị này vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Cụ thể, Hanoi Metro đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 515 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán vé tăng 12,5%, chiếm khoảng 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh lên mức hơn 507 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp  giảm một nửa.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 26,6 tỷ đồng, gấp 12,7 lần so với năm trước kéo đà tăng trưởng lợi nhuận Hanoi Metro. Con số 26,6 tỷ đồng đến từ khoản lãi của hơn 685 tỷ đồng tiền nhàn rỗi công ty đang cất tại ngân hàng. Trong khi đó, Hanoi Metro cắt giảm được toàn bộ chi phí lãi vay nên không ghi nhận chi phí tài chính trong kỳ.

Ngoài kết quả kinh doanh cải thiện, Hanoi Metro cũng tăng vốn chủ sở hữu từ hơn 39 tỷ lên hơn 2.688 tỷ đồng, gấp 69 lần. Trong khi đó, nợ phải trả giảm về gần 347 tỷ đồng, nhờ việc hoàn tất thủ tục nhận tài sản của tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm