Tài chính

Đại biểu hiến kế cơ chế đột phá phát triển đường sắt đô thị Hà Nội

Cơ chế đột phá nào để phát triển đường sắt đô thị Hà Nội? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 9-11, Hà Nội đã tổ chức vận hành thương mại đoạn trên cao dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao). Đây là 2/14 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội được thực hiện và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, việc hoàn thành toàn bộ 14 tuyến đường sắt đô thị cho TP Hà Nội sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi nếu không có giải pháp đột phá.

Cần cơ chế đặc thù huy động đa dạng hóa nguồn lực

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng để đẩy nhanh quá trình đầu tư các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội hay TP.HCM, cần có nhiều cơ chế đột phá.

Trong đó cần có tư duy, khung pháp lý mới "may đo" riêng, vượt trội để giải quyết các vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng như huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư...

Theo ông Huân, cần xây dựng hoàn thiện, đồng bộ quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị nội đô với tầm nhìn xa, rộng. Trình tự thủ tục cần được đơn giản hóa để rút ngắn thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó các dự án đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, vì vậy cần sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến phù hợp với ngân sách bố trí.

Đồng thời không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, mà cần có cơ chế đặc thù để đa dạng hóa nguồn lực, huy động khu vực tư nhân.

Để thu hút các thành phần kinh tế, ông nói cần xem xét cơ chế nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, tham gia đầu tư, phát triển các dự án hệ thống phụ trợ nằm trong quy hoạch để tái đầu tư hạ tầng.

Để phục vụ cho các dự án sắp triển khai, ngành đường sắt cần một nguồn nhân lực "khổng lồ" trong thời gian tới.

Như vậy cần có chính sách khuyến khích, định hướng đào tạo nguồn nhân lực, cũng như thu hút nhân tài phục vụ cho việc xây dựng, vận hành khai thác.

Đối với một dự án lớn có thời gian đầu tư dài, thông thường chủ đầu tư sẽ phải thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án. Do đó đội ngũ tư vấn trong nước cũng cần nâng cao năng lực.

"Để phục vụ việc này, nên nghiên cứu thành lập ban quản lý trình độ cao kể cả về kỹ năng quản lý dự án và kỹ thuật công nghệ.

Ngoài ra thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch lựa chọn các gói thầu tư vấn, xây lắp và cung cấp thiết bị", ông Huân đề nghị.

Đại biểu 'hiến kế' về cơ chế đột phá phát triển đường sắt đô thị Hà Nội - Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ảnh: GIA HÂN

Cơ chế đặt hàng để doanh nghiệp tư nhân thực hiện đường sắt đô thị

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu rõ trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị thành một hệ thống mạng lưới đường sắt kết nối đến mọi khu vực thủ đô.

Khi đó sẽ giảm bớt các phương tiện giao thông cá nhân, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mở rộng hoạt động kinh tế, phát triển các vùng đô thị mới.

Hệ thống đường sắt này khi hoàn thành, theo ông Cường sẽ giúp giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô ra những vùng đô thị mới; kết nối các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Nhấn mạnh về mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), ông Cường đề xuất không chỉ áp dụng với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong nội đô.

Từ đó khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao trong phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng.

Đại biểu Cường đồng tình với đề xuất có hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), nhưng không theo cơ chế trước đây là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, mà thực hiện theo hình thức BT thanh toán bằng vốn đầu tư công. Nhà nước dùng ngân sách mua công trình, sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng Nhà nước. 

Trên thế giới đã có nhiều tập đoàn lớn ra đời nhờ cơ chế đặt hàng của chính phủ như Hyundai của Hàn Quốc.

Ông Cường cho rằng muốn làm nhanh đường sắt đô thị, việc làm chủ công nghệ rất quan trọng. Do đó cần các cơ chế, nguồn lực để thực hiện và khi làm chủ được công nghệ sẽ thúc đẩy thực hiện các dự án đường sắt đô thị nhanh hơn...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm