Ngân hàng xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Hiện nay các ngân hàng Việt Nam đều đưa ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) nói chung và Xanh nói riêng vào chiến lược phát triển của mình và đã có những kết quả nhất định với nhiều cái tên nổi lên như BIDV, ACB, MB, TPBank... Xoay quanh câu chuyện Xanh trong ngành tài chính ngân hàng hiện nay, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với các chuyên gia nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam.
PV: Chuyên gia có thể chia sẻ nhận định chung về xu hướng ESG trên thế giới hiện nay?
TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam: ESG đã chuyển từ một khái niệm ngách thành một yêu cầu chính thống cho các công ty ở mọi quy mô. Đa số các công ty lớn trên thế giới đã báo cáo các thông tin về ESG và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đưa ra những thông báo liên quan đến ESG.
Ở châu Âu, Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững Doanh nghiệp (CSRD) sẽ áp dụng các yêu cầu tiết lộ tác động khí hậu nghiêm ngặt hơn bắt đầu từ năm 2024. Sự chuyển mình này về phía tuân thủ bắt buộc được kỳ vọng sẽ định hình lại các chiến lược doanh nghiệp, thúc đẩy các công ty tích hợp các yếu tố ESG vào hoạt động cốt lõi của họ thay vì coi chúng như những vấn đề phụ. Các quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc cũng bắt đầu yêu cầu các công ty niêm yết bắt buộc phải công khai các thông tin về ESG.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các hoạt động ESG, các công ty phải đối mặt với những thách thức, bao gồm cả cáo buộc "greenwashing" (tẩy xanh), khi các công ty phóng đại hoặc trình bày sai sự thật về nỗ lực bền vững của họ. Khi sự giám sát về ESG gia tăng, các tổ chức phải đảm bảo rằng các tuyên bố ESG của họ được xác thực bằng các hành động thực tế và báo cáo minh bạch.
PV: Ngân hàng xanh – Green Banking là một cấu thành/bộ phận của ESG. Hiện nay các ngân hàng trên thế giới triển khai Green Banking như thế nào? Có thước đo nào cụ thể cho Green Banking không thưa chuyên gia?
TS. Đào Lê Trang Anh – Giảng viên ngành Tài chính, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam: Theo định nghĩa của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), ngân hàng xanh là "sự kết hợp giữa việc giảm thiểu tác động trực tiếp của ngân hàng lên môi trường, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quá trình ra quyết định, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành công nghiệp tạo ra tác động tích cực cho môi trường và xã hội".
Hiện nay, các ngân hàng trên thế giới triển khai Green Banking thông qua một loạt các biện pháp cụ thể. Trước hết, họ cam kết giảm phát thải carbon và hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường. Điều này bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện cách mạng xanh trong chính các hoạt động của ngân hàng, đồng thời khuyến khích và tài trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, và các dự án bền vững. Ngoài ra, một số ngân hàng tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế để thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường và xã hội trong lĩnh vực tài chính. Một số ngân hàng xanh điển hình trên thế giới có thể kể đến New York Green Bank, DC Green Bank (Hoa Kỳ), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), v.v.
Về mặt thước đo, các ngân hàng xanh thường đánh giá hiệu quả hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn ESG, bao gồm việc đo lường mức phát thải carbon, mức độ sử dụng năng lượng tái tạo, và tỷ lệ các dự án bền vững mà họ tài trợ. Ngoài ra, một số tiêu chuẩn quốc tế như Tiêu chuẩn của Mạng lưới Ngân hàng và Tài chính Bền vững (https://www.sbfnetwork.org/) do IFC làm thư ký và đối tác tư vấn kiến thức cũng thường được sử dụng để xác định hiệu quả của ngân hàng xanh.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể
Bà đánh giá về hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam hiện nay ra sao?
TS. Đào Lê Trang Anh: Hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, mà một trong những dấu mốc quan trọng là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg vào ngày 01/10/2021, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Quyết định này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thị trường vốn xanh. Các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay cũng đã có những chiến lược cụ thể thúc đầy ngân hàng xanh. Tính đến ngày 31/03/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với tổng dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo (gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản khó khăn đối với hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp và tổ chức tài chính gặp nhiều trở ngại trong việc xác định và đánh giá dự án xanh do thiếu danh mục phân loại rõ ràng. Ngoài ra, chi phí phát hành sản phẩm tài chính xanh vẫn còn cao hơn sản phẩm truyền thống, trong khi ưu đãi chưa được định hình rõ ràng. Nguồn vốn dài hạn, cần thiết cho các dự án lớn về chuyển đổi năng lượng và công nghệ sạch, cũng khó tiếp cận. Đặc biệt, sự thiếu kinh nghiệm trong xây dựng dự án xanh là một thách thức lớn cần được khắc phục. Do đó, hệ thống ngân hàng cần có những cải cách mạnh mẽ, từ việc phát triển các sản phẩm tín dụng xanh đặc thù đến tăng cường nguồn vốn dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cho các dự án xanh và thúc đẩy phát triển bền vững.
Khi nói tới ngân hàng xanh, tại Việt Nam hiện nay người ta chỉ quen nói tới bảo vệ môi trường, cấp tín dụng cho các dự án xanh. Tuy nhiên, ngân hàng số/chuyển đổi số mạnh mẽ cũng là hoạt động "xanh". Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
TS. Đào Lê Trang Anh: Theo tôi, ngân hàng số và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngân hàng xanh. Chuyển đổi số giúp giảm đáng kể việc sử dụng tài nguyên vật lý như giấy tờ, đồng thời tiết kiệm năng lượng nhờ việc giảm thiểu nhu cầu di chuyển và giao dịch trực tiếp. Các dịch vụ như thanh toán điện tử, vay tín dụng trực tuyến, và mở tài khoản số không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng mà còn giúp người dùng tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu phát thải carbon, đồng thời tạo điều kiện cho việc phổ biến rộng rãi các dịch vụ tài chính xanh. Nhờ vậy, ngân hàng số không chỉ là giải pháp công nghệ giúp hiện đại hóa hệ thống ngân hàng mà còn là một công cụ đắc lực trong việc xây dựng và thúc đẩy mô hình phát triển bền vững.
Ngân hàng Việt được gì khi trở thành Green Banking?
Các ngân hàng Việt nên chú trọng điều gì để trở thành ngân hàng xanh thực thụ?
TS. Phạm Nguyễn Anh Huy: Ngân hàng Việt Nam nên tập trung vào việc phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, hỗ trợ tài chính cho các dự án thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, và các hoạt động sản xuất bền vững. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho ngân hàng.
Như đã đề cập ở trên, hiện có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh, chiếm tỷ trọng chỉ khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Do đó, tín dụng xanh còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng ở Việt Nam.
Ngoài ra, các ngân hàng cần thực hiện các biện pháp xanh hóa hoạt động nội bộ, như xây dựng văn phòng không giấy, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, và giảm thiểu khí thải carbon. Việc áp dụng công nghệ số trong giao dịch cũng giúp giảm thiểu tài nguyên tiêu thụ và nâng cao hiệu quả hoạt động
Green Banking sẽ giúp ích gì cho sự phát triển của bản thân mỗi ngân hàng nói riêng, hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung trong tương lai?
TS. Phạm Nguyễn Anh Huy: Green Banking giúp các ngân hàng hướng đến phát triển bền vững thông qua việc tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ hỗ trợ nền kinh tế xanh mà còn tạo ra cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc mở rộng danh mục sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.
Ngoài ra, Green Banking còn giúp các ngân hàng cải thiện hình ảnh thương hiệu. Việc cam kết thực hiện các hoạt động ngân hàng xanh sẽ nâng cao hình ảnh và uy tín của ngân hàng trong mắt khách hàng và cộng đồng. Ngân hàng xanh có thể thu hút được nhóm khách hàng có ý thức về môi trường, từ đó gia tăng lượng khách hàng và doanh thu.
Green Banking cũng sẽ thúc đẩy các ngân hàng áp dụng các công nghệ mới và cải tiến quy trình làm việc, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí. Đồng thời việc chuyển đổi sang các dịch vụ ngân hàng số và giảm thiểu sử dụng giấy tờ sẽ giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.
Xin cảm ơn ý kiến của các chuyên gia!