Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thư mời gửi lãnh đạo một số doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản đến tham dự hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vào sáng 8/2. Địa điểm tổ chức tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong một diễn biến liên quan, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) ngày 7/2 đã có văn bản gửi NHNN và đưa ra nhận định, năm 2023 là năm quyết định sống, còn đối với các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết nút thắt về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản.
Do đó, HoREA đề nghị NHNN xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12 - 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của NHNN liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ; điều kiện vay vốn tín dụng. Giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn thêm 12 tháng.
Bỏ quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Tại họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chia sẻ thông tin về việc cấp vốn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, ông Đào Minh Tú hiện là Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. Ông cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.
Ông Tú cho hay sau công điện của Chính phủ ngày 22/12, NHNN đã quyết liệt triển khai về vấn đề tăng trưởng tín dụng bằng mở room tín dụng và vận động các ngân hàng hạ lãi suất. NHNN cũng đang triển khai phần của ngân hàng trong phần việc của tổ công tác tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản.
Tổ công tác đặc biệt về bất động sản sẽ có báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ tín dụng cho bất động sản tới Thủ tướng.
Bên cạnh đó, NHNN dự định sẽ tổ chức diễn đàn về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... làm sao phát triển thị trường lành mạnh, ổn định.
Liên quan đến dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, theo số liệu của NHNN, tính đến 31/12/2022, con số này đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với thời điểm cuối năm 2016).
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.